Riềng không chỉ là một loại gia vị phổ biến mà còn là vị thuốc quí có thể phòng và chữa được nhiều bệnh.
Riềng là một loại gia vị phổ biến cũng như Gừng, Tỏi, Nghệ… Có 2 loại riêng: Riềng thuốc hay Cao hương khương, Co khá (Thái), Kim sung (Dao), cho thân rễ và quả chuyên dùng làm thuốc; Riềng nếp hay là loại Riềng thường, được bán ngoài chợ làm gia vị, hay Riềng ấm, Hậu khá (Thái), Chi bộ (Mông) chỉ cho thân rễ làm gia vị và đôi khi dùng làm thuốc.
Riềng thuốc được dùng trong những trường hợp sau đây:
Chữa đầy bụng, lạnh bụng, nôn mửa: Riềng thuốc, củ Gấu, Gừng khô, với lượng bằng nhau, phơi khô, thái nhỏ, tán bột và rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g.
Chữa tiêu chảy: Riềng thuốc: 6g, vỏ Quế: 4g, vỏ Vối: 3g. Sắc với 200ml nước, uống làm một lần trong ngày. Hoặc riềng thuốc: 20g, nụ Sim: 80g, vỏ Rộp ổi: 60g, tán bột, rây mịn. Uống mỗi lần 5g ngày 3 lần.
Chữa nhiễm lạnh, ăn không tiêu, buồn nôn, đau bụng: quả Riềng thuốc (Hồng đậu khấu) tách vỏ, lấy hạt, 2 – 6g tán nhỏ dùng uống trong ngày.
Riềng nếp: được chế biến thành Riềng muối chống khát nước, chữa ho, viêm họng, đau răng, đầy bụng. Củ riềng tươi (loại to và già) đem cạo sạch vỏ ngoài, ướp vào dung dịch nước muối 10% (10g muối ăn pha trong 100ml nước đun sôi để nguội) trong vài ngày rồi vớt ra, giã nhỏ, phơi khô hoặc sấy khô, rồi cho Riềng vào nước quả Chanh tươi, ngâm khoảng 10 – 15 phút, lại đem phơi hoặc sấy. Làm như vậy chừng 3 – 4 lần là được. Riềng muối có vị chua, mặn và cay dịu. Khi dùng, lấy một dúm cắn nhẹ dưới răng, ngậm và nuốt nước dần dần. Ngày ngậm 2 – 3 lần.
Lấy củ Riềng nếp giã (100g) tán nhỏ, ngâm với cồn 90 độ (200 ml), càng lâu càng tốt. Ngày bôi vài lần để chữ hắc lào.
Ngọc Đức