Rắn là loài bò sát di chuyển nhanh, vận động nhiều, có hệ cơ săn chắc, khớp xương lưng mềm mại, dẻo dai; dân gian từ lâu đã lưu truyền tác dụng của rắn trong chữa trị các bệnh về xương khớp.
Trong các loài rắn, rắn độc chiếm khoảng 25% tổng số, có thể kể đến như hổ mang bành, mai gầm, cạp nia, rắn lục, hổ trâu, hổ lửa, rắn biển... Rắn thường, không có nọc độc như: rắn ráo, rắn dọc dưa, rắn nước... Các bộ phận cơ thể rắn đều được sử dụng để làm thuốc như sau:
Nọc độc của rắn có ở móc độc, chỗ hai răng cửa nhọn hơi quặt vào nơi hàm trên, tuyến tiết nọc ở phía trước móc độc sau môi trên, nhìn từ phía ngoài sau hai u mắt. Khi rắn cắn, răng phập vào, môi trên ép xuống, nọc chứa sẵn trong tuyến bị ép ra. Chất độc nọc rắn gọi chung là zootoxin, có các độc tố crotelotoxin, ophyotoxin, các alcaloid, protein, enzym..., gây độc chủ yếu là những hợp chất chứa N, có tính kiềm và hoạt tính sinh học mạnh hơn cả so với các chất tự nhiên. Tây y dùng nọc rắn với liều lượng thích hợp dưới dạng thuốc bôi, xoa gây tê, giảm đau nhức, chống viêm trong các bệnh viêm dây thần kinh, sưng khớp, viêm cơ. Nọc rắn dùng sản xuất huyết thanh kháng độc khi bị rắn cắn. Nọc còn có tác dụng giải tế bào ung thư và giảm đau giai đoạn cuối của bệnh.
Mật rắn (thường gọi Đởm xà), được chế biến bằng cách dùng một ít Trần bì tẩm mật rắn đem sấy, làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng sấy khô, tán bột. Có thể chế bằng cách buộc chặt túi mật rồi tẩm rượu, phơi âm can cho khô, làm 3 lần trong 3 ngày, rồi treo lên cho đến khi khô kiệt để dùng. Mật rắn vị ngọt, cay, không đắng, tác dụng hạ sốt, giảm đau, tiêu đờm giảm ho, nhất là trị hen suyễn ở trẻ em rất tốt.
Huyết rắn (Huyết xà) tác dụng tăng cường sinh lực, bổ thận làm mạnh gân cốt. Chữa lưng đau, gối mỏi, sinh lý yếu, thường dùng pha rượu uống.
Xương rắn: Đập chết rắn, đem chôn, sau 3 tháng lấy xương sống, rửa sạch sao vàng cho vào túi vải ngâm rượu, có thể ngâm chung với một số vị thuốc khác, dùng trị phong thấp hiệu quả.
Da rắn (Xà thoái): Dùng xác lột con rắn. Thành phần hóa học chứa kẽm oxide, titan oxide. Xà thoái vị ngọt, mặn, tính bình, quy kinh can, tỳ tác dụng khu phong, chỉ kinh, tiêu sưng, sát trùng, lui màng mộng. Điều trị các chứng co giật ở trẻ, phong ngứa ngoài da, mắt màng nội chướng, dùng ngoài (sao cháy) trị đinh nhọt, lở loét, trĩ rò, lở ngứa, ung sưng, loa lịch.
Mỡ rắn tác dụng bài độc, sinh cơ, làm chóng lên da non, điều trị các trường hợp bỏng lửa, chốc đầu, nứt nẻ da chân, thường dùng kết hợp với một số vị thuốc khác.
Thịt rắn được chế biến bằng cách chặt bỏ đầu đuôi, loại bỏ phủ tạng, thịt rắn giàu chất đạm, là nguồn cung cấp các acid amin, dinh dưỡng thiết yếu giúp nuôi dưỡng và bền vững các dây chằng, tăng cường hoạt dịch cho khớp và tái tạo sụn khớp. Theo Đông y thịt rắn vị ngọt, tính ấm quy kinh can, tỳ, có tác dụng bổ dưỡng, trừ phong thấp, đau nhức xương khớp, tê mỏi, gai đôi cột sống, thoái hóa khớp, chứng ngứa ngoài da nhất là ngứa kinh niên như bệnh chàm (eczema).
Rượu rắn được sử dụng như một loại thuốc bổ dưỡng. Dùng rượu 400 ngâm kín với rắn khô hoặc tươi đều được, song phải chế biến chặt bỏ đầu đuôi, tạng phủ, giữ lại mật cho vào rượu ngâm cùng. Ngâm tươi thời gian tối thiểu là 3 tháng. Ngâm khô dùng rắn cắt khúc, nướng vàng, ngâm chừng 1 tháng là có thể dùng được. Theo kinh nghiệm cổ truyền rượu rắn thường được hạ thổ, bằng cách chôn bình rượu xuống đất, lấp kín 3 tháng 10 ngày đào lên sử dụng. Rượu sẽ có mùi thơm đặc biệt và tác dụng bổ dưỡng tăng lên nhiều. Đó là vì trong lòng đất tác động của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm) làm gia tăng phản ứng ester hóa giữa rượu và các acid amin. Sản phẩm ester tạo ra mùi thơm cho rượu, lượng acid amin tham gia phản ứng càng nhiều, thúc đẩy mạnh sự phân cắt (thủy phân) protein làm tăng thành phần bổ dưỡng trong rượu.
Rượu rắn thường được ngâm phối hợp với một số vị thuốc bổ khác như Thục địa, Nhân sâm, Hà thủ ô, Đương quy, Xuyên khung, Đỗ trọng, Thỏ ty, Kỷ tử, Hoàng kỳ. Các dược liệu phải ngâm riêng rồi lấy dịch chiết pha chung rượu rắn để uống. Rượu rắn tác dụng tốt trong những trường hợp thận dương suy kém, đau xương khớp, viêm, đau dây thần kinh ngoại biên, suy giảm chức năng sinh lý, liệt dương, di tinh, tảo tiết, trí lực thần kinh suy giảm. Những người huyết hư sinh phong không nên dùng.
DS. Phạm Hinh