TINH HOA XANH

Trị cảm cúm với cây Cóc mẳn

Theo Đông y, Cóc mẳn vị cay, tính ấm, vào kinh thủ thái âm. Có tác dụng trừ phong, tán hàn, thắng thấp, thông mũi. Dùng chữa cảm mạo, hen suyễn, viêm họng, viêm amiđan, ho gà, kiết lị, lở loét ngoài da.

Cóc Mẳn thuộc họ Cúc, là loại cỏ mọc sát mặt đất. Hoa màu vàng nhạt, mọc ở nách lá. Khi vò ra có mùi hắc... Hằng năm có thể thu hái vào các tháng từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau, khi cây ra hoa. Sau khi thu hái, người ta rửa sạch đất cát, phơi khô hoặc sấy khô, khi dùng có thể sao qua hoặc sao vàng.

Cây mọc hoang khắp nơi, thường hay gặp ở những nơi ẩm thấp, ruộng bỏ hoang, bờ rãnh, ven đường… Ngay cả trong các thành phố, chỗ những chân tường ẩm, khe gạch vỡ hở đất, cũng thường hay gặp cây này. Cây còn có nhiều tên khác như Cúc ma, Cỏ the, cây Thuốc mộng, cây Trăm chân, Cỏ lưỡi rắn.

Theo Đông y, Cóc mẳn vị cay, tính ấm, vào kinh thủ thái âm. Có tác dụng trừ phong, tán hàn, thắng thấp, thông mũi. Dùng chữa cảm mạo, hen suyễn, viêm họng, viêm amiđan, ho gà, kiết lị, lở loét ngoài da.

Một số đơn thuốc có dùng cây Cóc mẳn:

Phòng trị cảm cúm: Cây Cóc mẳn tươi 100g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút rượu trắng, chia 2 lần uống trong ngày, uống ấm. Có tác dụng phong tán hàn (với các triệu chứng phát sốt, sợ lạnh, tắc mũi, mũi chảy nước, đau đầu, đau mình mẩy…).

    Hoặc Cóc mẳn phơi khô, tán thành bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g (trẻ nhỏ giảm nửa liều), chiêu bằng nước ấm. Có tác dụng phát tán phong hàn, kháng virut. Dùng chữa bệnh cúm mới phát, với những biểu hiện thuộc thể phong hàn.

    Hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng: Cây Cóc mẳn (tươi hay khô đều được) vò nát, đưa vào sát lỗ mũi, hít vào sẽ hắt hơi, sau đó cảm thấy dễ thở và dễ chịu, mỗi ngày thực hiện từ 2 - 3 lần.

    Trị ho khan, ho lâu ngày, ho có nhiều đờm kèm khó thở: Dùng dưới dạng cây tươi, rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút mật ong cho dễ uống, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần dùng 8 - 10g. Người lớn liều dùng 20 - 40g tươi hoặc 16 - 30g khô, dưới dạng nước sắc. Có thể phối hợp thêm với các vị thuốc khác như lá Hen 12g, Bách bộ 10g, Bạc hà 8g, Trần bì 8g dưới dạng nước sắc để trị viêm phế quản cấp, mạn tính.

    Khi bị cảm sốt có ho, dùng Cóc mẳn, lá Xương sông, Râu ngô, mỗi thứ 40g, sắc uống 2 lần trong ngày.

    Trị đau mắt đỏ hoặc do viêm kết mạc: Cóc mẳn 12g, Bạc hà 12g, Thảo quyết minh 8g, Cúc hoa 4g. Cho thuốc vào nồi đun sôi nhỏ lửa 15 phút, rồi đem xông hơi một cách nhẹ nhàng vào mắt, sau đó để nguội và uống nước sắc này. Cũng có thể phối hợp với vỏ Núc nác (Hoàng bá nam), mỗi vị 40g, sắc uống ngày 1 thang, uống liền 1 - 2 tuần.

    Giải độc khi bị mụn ngứa, lở loét: Lấy cây tươi, rửa sạch, để ráo nước, giã nát, rồi xát vào chỗ bị mụn ngứa. Có thể dùng cách này để trị các bệnh hắc lào, ngày làm nhiều lần. Trường hợp mụn ngứa, chảy nước vàng... nên dùng Cóc mẳn khô, 30 - 40g, sắc nước, rửa vài lần trong ngày.

    Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Cóc mẳn 20g, Hạ khô thảo 10g, Mẫu đơn bì 10g (đập vụn, sao qua), Hoa hòe 6g (sao vàng), Cỏ ngọt 8g. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng chè, uống hàng ngày.

    Ngoài ra, cóc mẳn tươi còn được giã nát, thêm ít rượu trắng hoặc giấm ăn, xào nóng, đắp, bó vào nơi bị sưng tấy, tụ máu do chấn thương, té ngã (vết thương kín) cũng có tác dụng giảm đau, tán huyết tốt.

    Bác sĩ Thu Hương

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""