Tên thường gọi: Tỏi còn được gọi là Hồ, Đại toán là củ của cây Tỏi
Tên khoa học: Tỏi - Allium sativum L.
Họ khoa học: Thuộc họ Hành - ALLIACEAE
Mô tả:
Cây thảo sống nhiều năm. Thân thực hình trụ, phía dưới mang nhiều rễ phụ, phía trên mang nhiều lá. Lá cứng, hình dải, thẳng dài 15-50cm, rộng 1-2,5cm có rãnh khía, mép lá hơi ráp. Ở mỗi nách lá phía gốc có một chồi nhỏ sau này phát triển thành một tép Tỏi; các tép này nằm chung trong một cái bao (do các bẹ lá trước tạo ra) thành một củ Tỏi tức là thân hành (giò) của Tỏi. Hoa xếp thành tán ở ngọn thân trên một cán hoa dài 55cm hay hơn. Bao hoa màu trắng hay hồng bao bởi một cái mo dễ rụng tận cùng thành mũi nhọn dài.
Hoa tháng 5-7, quả tháng 9-10.
Bộ phận dùng:
Thân hành (giò) - Bulbus Allii, thường có tên là Ðại toán.
Phân bố và thu hái:
Cây của miền Trung châu Á, được gây trồng ở nhiều nước ôn đới. Ở nước ta, cũng trồng nhiều, có những vùng trồng Tỏi có tiếng ở Quảng Ngãi, Hà Bắc, Hải Hưng... Tỏi là gia vị rất quen thuộc trong đời sống của nhân dân ta. Thường ta thu hoạch vào cuối đông, đầu xuân; có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Vị thuốc từ cây Tỏi
Tính vị: Vị cay, tính ấm.
Quy kinh: Vào kinh Tỳ, Vị, Phế.
Tác dụng:
Có tác dụng hành khí tiêu tích, sát trùng giải độc. Alliicin là hoạt chất có tác dụng nhiều nhất của Tỏi, có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn, các nấm gây bệnh. Nó lại có tính lợi tiểu là do các fructosan và tinh dầu.
Liều dùng
Dùng ngoài lượng vừa đủ giã nát, đắp, làm thuốc đạn, cứu tỏi.
Uống trong mỗi lần 3 - 5 múi. Ăn sống, nấu chín, sắc nước, làm sirô, ngâm rượu, cất tinh dầu. thụt đại tràng.
Kiêng kỵ
Âm hư, mồm lở không dùng, phụ nữ có thai không dùng thụt đại tràng.
Thuốc đắp có thể phản ứng đỏ nóng tại chỗ, không nên đắp lâu.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Tỏi
Chữa Cảm cúm:
Ăn Tỏi và chế nước Tỏi nhỏ mũi. Mỗi lần dùng 1-2g Tỏi tươi. 2. Chữa lỵ amip, lỵ trực khuẩn: Ngày dùng 4-6g Tỏi sắc uống hoặc giã 10g Tỏi, ngâm vào 100ml nước nguội; trong 2 giờ, lọc bỏ bã, lấy nước thụt vào hậu môn, giữ lại độ 15 phút. Thụt mỗi ngày 1 lần. Ðồng thời ăn mỗi ngày 6g Tỏi sống chia làm 3 lần. Ðiều trị 5-7 ngày thì có kết quả.
Chữa Ung nhọt, áp xe viêm tấy:
Giã giập Tỏi, đắp 15-20 phút (không để lâu dễ bị bỏng da). Có thể trộn với ít dầu Vừng mà đắp.
Chữa đầy bụng, đại tiểu tiện không thông:
Giã Tỏi rịt vào rốn (cách ly bằng lá Lốt hay lá Trầu hơ héo), đồng thời lấy Tỏi giã giập bọc bông lại nhét vào hậu môn (Nam dược thần hiệu).
Trị giun kim, giun móc:
Thường xuyên ăn Tỏi sống hoặc dùng nước Tỏi 5-10% 100ml, thụt vào hậu môn.
Trị viêm cầu thận cấp:
Dùng Tỏi vỏ tím 250g bỏ vỏ, Dưa hấu chín 1 quả (khoảng 3 - 4kg) móc 1 lỗ miệng hình tam giác, cho hết Tỏi vào đậy nắp lại, cắt bỏ vỏ cứng bên ngoài cho vào nồi nấu chín, ăn hết cả quả dưa và tỏi chia nhiều lần trong ngày, vỏ cứng sắc nước uống thay nước chè.
Trị sói đầu:
Dùng nước Tỏi vỏ đỏ tươi 3 phần, glycerin 2 phần (tỷ lệ theo trọng lượng 3:1), trộn đều xát vào chỗ bệnh, ngày 2 - 3 lần, uống thêm Bổ trung ích khí. Đã trị 856 ca khỏi trong thời gian từ 17 - 46 ngày uống thuốc
Chỉ định và phối hợp:
Người ta đã tổng hợp được nhiều công đoạn của Tỏi. Tỏi là chất kháng khuẩn và sát khuẩn. Tỏi điều hoà hệ sinh vật của ruột. Tỏi là thuốc trị giun đặc biệt là giun kim. Tỏi là chất kích thích cơ thể và điều hoà các chức năng chủ yếu như các rối loạn gan và các tuyến nội tiết... Tỏi là thuốc chữa bệnh đái đường, phòng ngừa trạng thái ung thư, giúp chống những bệnh như đau màng óc, bệnh xơ cứng động mạch, Huyết áp cao...
Ở Ai Cập từ nhiều thế kỷ, nhân dân ta dùng một lọ rượu ngâm Tỏi để uống. Ngày này người ta đã biết rượu Tỏi có tác dụng đối với Thấp khớp (sưng khớp, vôi hoá các khớp, mỏi xương cốt), tim mạch (huyết áp thấp, Huyết áp cao, hở van tim, ngoại tâm thu), phế quản (viêm phê quản, viêm họng, hen phế quản), tiêu hoá (ăn khó tiêu, ợ chua, viêm tá tràng, loét dạ dày), trĩ nội và trị ngoại, đái tháo đường. Dùng rượu Tỏi không gây phản ứng phụ và lại có hiệu quả chữa bệnh cao.