TINH HOA XANH

Thú vị với những vị thuốc tên "Trư"

1. Trư cao mẫu
Cây Trư cao mẫu còn có tên là cỏ Dĩ. Tên khoa học Siegesbeckia oriesitalis L. Họ Cúc (ASTERACEAE). 
Trong Đông y dùng toàn cây trừ gốc rễ. Cây được thu hoạch vào tháng 4, tháng 6 khi mới ra hoa, nhiều lá phơi sấy khô. Vị đắng, tính mát, bổ huyết, hoạt huyết, trừ thấp. Công dụng trừ phong thấp, tê bại nửa người, đau lưng, mỏi gối, kinh nguyệt không đều, lở ngứa ngoài da, dùng 8 – 16g/ngày nước sắc hoặc nấu cao.

2. Cây Hoa cứt lợn
Cây Hoa cứt lợn còn có tên khác là Hoa ngũ sắc, Hoa ngũ vị, Cỏ hôi…, tên khoa học là Asteratum conyzoides L. Họ Cúc (ASTERACEAE), hoa tím xanh. Lấy toàn phần trên mặt đất, dùng tươi hay khô. 
Trong nhân dân thường dùng chữa viêm mũi dị ứng, viêm xoang, tiêu viêm, chống phù nề. Chữa rong huyết sau đẻ, làm nước gội đầu cùng bồ kết sạch gầu, trơn tóc. Do có tên Cỏ hôi nên tránh nhầm lẫn với cây Cỏ lào cũng có tên là Cỏ hôi.


3. Trư lủng thảo
Còn có tên là Trư tử lung, cây Nắp ấm, cây Bình nước, cây Bắt ruồi, tên khoa học là Nepenthes mirabilis (Lour) Druce, họ Nắp ấm (NEPENTHACEAE).
Cây được thu hái quanh năm, chặt ngắn, phơi khô, có vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, chỉ khát, hoá đờm, giảm đau. Chữa vàng da do viêm gan, đau do loét dạ dày tá tràng, huyết áp cao, ho gà, phù toàn thân. Dùng tươi hoặc khô dạng nước sắc

4. Trư nhi nha tao
Cây này còn có tên là Tạo giác – bồ kết có hình răng lợn, tên khoa học Gleditsiafers (Lour) Merr, họ Vang (CAESALPIRIEAC). Dùng quả hạt, gai, thu hái quả tháng 10 – 11, lấy gai quanh năm (từ tháng 9 – 3 năm sau). Vị cay, hơi mặn, tính ấm. Thông khiếu tiêu đờm, tiêu nhọt, trừ phong, thông tiểu. Quả chữa chứng phong cấm khẩu, đau tắc họng, đờm suyễn. Hạt gai tiêu độc mụn nhọt, bí tiện.

5. Trư huyết đan sâm
Đan sâm tốt đỏ như huyết heo, còn có tên là Xích sâm, Huyết sâm, thường gọi là Đan sâm, tên khoa học Salvia multiorrhiga Bunge. Họ Hoa môi (LAMIACEAE). Mới di thực rễ to chắc, khô mềm, ngoài đỏ tía, trong vàng mịn, đào lấy mùa đông. Vị đắng, tính mát, bổ gan, bổ máu, hoạt huyết, điều kinh, trục ứ bài nùng sinh cơ, làm thuốc bổ máu, chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh, tử cung xuất huyết, đau xương khớp, ung nhọt, ngứa lở. Sắc uống.

6.Trư nhĩ tử
Thường có tên gọi khác là Thượng nhĩ tử, Ké đầu ngựa. Tên khoa học là Xanthium strumarium L. Họ Cúc (ASTERACEAE). Dùng quả khô già, cành hay cả cây. Thu hoạch tháng 4 – 7. Khi dùng làm khô hoặc đốt bỏ gai. Vị ngọt nhạt hơi đắng, tính ấm. Tiêu độc sát trùng trừ thấp. Chữa phong hàn, nhức đầu, chân tay co quắp tê dại, mẩn ngứa, hắc lào, đau răng, lỵ, viêm mũi dị ứng xoang. Dạng nước sắc hay cao.

7. Trư nhĩ thảo
Hay còn có tên là Hạ khô thảo, Hạ cô thảo. Tên khoa học là Prunella (Brunella) vulgaris L. Họ Hoa môi (LAMINACEAE). Dùng phần trên mặt đất hoặc ngọn có hoa, thu hái khi quả bắt đầu chín (tháng 5 - 6), dùng khô và tươi. Vị đắng the mát, lợi tiểu mát gan, sát trùng tiêu độc. Chữa sưng vú, tràng nhạc, đau mắt, viêm tử cung. Dạng sắc, không nhầm với cây Cải trời (Cải ma) Blumea subcapitata DC. Họ Cúc.

8. Trư nha thảo
Còn có tên gọi khác là Biển súc rau đắng, tên khoa học là Loligonum aviculare L. Họ rau răm (POLYGONACEAE). Dùng toàn thân cây phơi sấy khô. Thu hái xuân hạ. 
Dùng sống hay sao vàng. Vị đắng nhạt, tính bình, lợi tiểu, thông lâm lậu, sát trùng, chữa kiết lỵ, táo bón, đái buốt do nhiệt, sỏi thận bàng quang, ung nhọt sưng tấy (uống trong đắp ngoài), phù thũng, lở ngứa chảy nước vàng, giun trẻ em.

9. Trư tân di
Còn có tên gọi khác là Tân di - Búp đa lông, Báo xuân hoa, Vong xuân. Tên khoa học là Magnolia liliflora Dess. Khí ấm, vị cay, không độc. Chữa trúng độc vào thần kinh, nhức đầu sổ mũi, ngạt mũi, sưng mặt, đau răng, chóng mặt quay cuồng như say xe, say sóng, giải cảm, trừ nóng lạnh, thông cửu khiến trừ sán dây. Khi dùng làm sạch lông (không đốt) để khỏi gây hại. Dùng xuyên khung làm sứ, ghét Ngũ linh chi, sợ Xương bồ.


10.Trư linh
Là loại nấm ký sinh ở cây Trư linh. Tên khoa học là Polyporus umbellatus (Pers) Fries. Họ Nấm lỗ (POLYPORACEAE). Tính vị cam, đạm, bình, thám thấp, lợi tiểu. Chủ trị thuỷ thũng, bụng trướng đầy, tiết tả (ỉa chảy) sôi bụng, tiểu tiện khó khăn đỏ sẻn. Lâm trọc, đới hạ. Không dùng khi không có thấp nhiệt. Nên dùng khi có thuỷ thấp thiên nhiệt (ngược với tác dụng của Phục linh).

Phó Đức Thuần (CTQ số 78)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""