Thốt nốt còn có tên gọi: Thnot (Campuchia) Maktankok (Lào), Palimier à sucre, rondier.
Tên khoa học: Borassus Flabellifer L., (Pholidocarpus Tunicatus H. Wendl.)
Thuộc họ: Dừa PALMACEAE
Thốt nốt loại cây thân cột, hình trụ, nhẵn đứng, cao tới 25 - 30 mét, chia thành từng khoanh, ngấn vòng do cuống lá rụng để lại, lá mọc tập trung ở ngọn thân, xoè rộng như tàu lá cọ, cuống dài có gai, hình quạt sẻ chân vịt thành nhiều lá chét thuôn hẹp, dài 0,6 - 12 cm, mép có gai nhỏ.
Cụm hoa là những bông mo, mang hoa đơn tính khác gốc. Mo rộng có cuống, hoa đực xếp trên cuống chung hình trụ có nhiều lá bấc xếp lợp, nhỏ, 3 lá dài rời, hình nêm. 3 cánh hoa rời, không đều, 6 nhị có chi ngắn, hoa cái to hơn, dài và tràng hoa như hoa đực, bầu hình cầu, 3 cạnh có 3 - 4 ô.
Quả Thốt nốt to như quả dừa, nhưng bên trong đặc, trong suốt thường có chứa 3 nhân cứng, dẹt, đầu có một lỗ thủng.
Thốt nốt là loài cây cổ nhiệt đới, mọc tự nhiên, được trồng phổ biến, nhiều ở miền Nam nước ta. Tây Nam Bộ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Cửu Long, Đông Nam Bộ. Đặc biệt các nước bạn Lào, Campuchia, nó được trồng “đại trà” đi bất cứ đâu cũng thấy Thốt nốt cao, to, xanh đẹp, từ vườn nhà đến ngoài đồng ruộng, đặc biệt các đền chùa như đền Angkor, Thốt nốt cao xanh đẹp bao bọc những vách đá cổ kính. Thốt nốt trồng ở Campuchia có thể như thuộc tính đặc thù gắn liền với tên núi tên sông, đến với Campuchia - đến với rừng Thốt nốt. Thốt nốt là loại cây chịu khô, hạn, cả nóng, ngập nước, ưa ánh sáng, trồng được trên nhiều loại đất. Nhưng Thốt nốt lại không chịu khí hậu mùa đông. Do đó Thốt nốt không thể trồng ở miền Trung và miền Bắc nước ta.
Trồng Thốt nốt bằng hạt khi hạt nảy mầm và cây sống rất lâu hàng trăm năm, khi cây được 15 - 20 năm thì cho quả. Thốt nốt ra hoa hàng năm, thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng hoặc gió.
Thốt nốt là loại cây có nhiều lợi ích, bên cạnh tác dụng tốt và quý hiếm trong làm thuốc chữa bệnh. Những bộ phận Thốt nốt được dùng làm thuốc như: cuống, cụm hoa, rễ và dịch cây. Thốt nốt có giá trị cao trong sản xuất đường Thốt nốt. Rượu Thốt nốt, có tính đặc sản như rượu Bầu đá ở Bình định. Đường Thốt nốt là dịch chảy cụm hoa, cây non và rễ Thốt nốt. Khi Thốt nốt ra hoa, vào buổi chiều và tối, người ta buộc ống vào đầu cụm hoa, sau khi cắt một đoạn đầu hoa bằng đốt ngón tay, để qua đêm thu được chừng 1 lít nước Thốt nốt. Nước Thốt nốt lấy trong đêm ít chua, lại rất thơm, ngọt, ủ với lượng ít men sẽ cho ta một thứ rượu như bia, nếu lượng men nhiều sẽ cho ta thứ rượu nặng hơn. Khi Thốt nốt đã lấy nước thì không có quả. Quả Thốt nốt non ăn mát như thạch, quả già có màu vàng thơm như mùi mít chín, nếu giã lọc sẽ có bột dẻo như bột nếp. Do vậy, các chợ Campuchia có bán bánh phồng tôm, bánh ú hoặc nấu chè đường Thốt nốt- những sản phẩm này rất quý, hiếm vì ăn rất thơm, ngon và bổ.
Một cây Thốt nốt cho từ 50 - 60 quả. Thốt nốt đực không có quả, không có nước, vẫn có hoa. Hoa ra được hơn 1 tháng thì hoa héo dần và teo lại.
Thành phần hoá học
Nhựa cây Thốt nốt chứa axít succinic, quả chứa polysacharit, thịt quả chứa chất đắng Flabeliferin I và II. Flabeliferin II có 2 Glucoza và 2 Rhamnoza. Dịch ép của vỏ quả ngoài chứa polysacharit trong đó có Galacto-araban 53%, Glucoza 25%, Galactoza 3,1% arabinoza 2,6%, Xyloza 2,2% và Rhamnoza 1,5%.
Trong đó trong nước dịch chảy từ bông mo chứa rất nhiều đường Sacaroza (10 - 15%).
Công dụng và liều dùng
Trong nhân dân, cuống cụm hoa dùng để điều trị sốt cảm, sốt rét kèm lách to, sốt viêm tấy, lợi tiểu. Liều dùng: cắt thái mỏng cuống cụm hoa cho 100 ml, thêm vào 600 ml nước. Đun lửa than như ta rim mứt gừng khoảng 15 phút, chia uống nhiều lần trong ngày.
Với tác dụng tẩy giun: Cuống cụm hoa nướng trên lửa than hồng rồi vắt lấy nước, thêm ít đường. Mỗi buổi sáng uống 100 ml, uống liên tục trong nhiều ngày để tẩy giun.
Với rối loạn chức năng đại tràng thể táo: Sáng sớm, cắt cụm hoa lấy nước chảy uống, mỗi sáng 50ml liên tục, đại tiện phân sẽ tốt, hết táo bón.
Nhân dân Campuchia còn pha chế rượu đường Thốt nốt như một đặc sản quý. Đường Thốt nốt còn là vị thuốc rất quý giải độc trong những trường hợp ngộ độc thuốc do Mã tiền.
Thốt nốt non và cả rễ điều trị vàng da ứ mật, lỵ amíp, lỵ trực khuẩn, viêm nhiễm đường hô hấp, tiểu tiện khó khăn. Mỗi ngày uống 50 - 60g dạng thuốc sắc.
Các bộ phận khác của cây Thốt nốt cũng có nhiều công dụng như: thân dùng làm cột xây nhà, dầm cầu ở nông thôn; gỗ Thốt nốt đóng ghe thuyền; lá dùng lợp nhà như lá cọ, lá dừa ở Việt Nam, làm nón đẹp xuất khẩu; vỏ tước nhỏ bện quấn làm dây buộc rất bền chắc như dây thừng xơ dừa Việt Nam.
Trang Xuân Chi (CTQ số 96)