Thổ phục linh
Tên khoa học: Smilax glabra Roxb. Họ: Hành tỏi – LILIACEAE
Thổ phục linh là cây leo sống nhiều năm, dài 3-5m, cành mảnh, không có gai, rễ củ hình dạng khác nhau, cong queo không bằng phẳng. Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục, dài 6-20cm, rộng 1-5cm, đầu nhọn gốc tù có 2 tua cuốn do lá kèm biến thành, thường giâm thành mũi ngắn hoặc kéo dài, mép nguyên, mặt dưới có lông trắng hoặc nhẵn, có 3 gân chính. Hoa nhỏ đơn tính, đực cái khác gốc mọc thành chùm ở kẽ lá. Hoa màu xanh nhạt hoặc trắng, cuống hoa dài hơn cuống tán, 6 nhị đực bầu thượng 3 ô. Quả mọng hình cầu, đường kính 6-8mm màu hồng, gần như 3 góc, khi chín màu đen, có 3 hạt. Ra hoa tháng 5-7, quả tháng 9-12.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt nhạt, tính bình. Quy kinh can, vị
Tác dụng dược lý: Thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, lợi khớp.
Chủ trị: Chứng giang mai (mai độc), ung nhọt, thấp chẩn, nhiệt lâm .
Một số kết quả nghiên cứu dược lý lâm sàng
* Phòng xoắn khuẩn Leptospira: Thang 40g Thổ phục linh, sắc uống ngày một thang liên tục 1 liệu trình là 3 ngày. Tổng cộng uống 5 liệu trình. Đã cho hơn 2000 ca uống dự phòng, tỷ lệ so với lô đối chiếu không uống Thổ phục linh là 1/5.
* Điều trị xoắn khuẩn Leptospira: Sử dụng Thổ phục linh 80g (bệnh nặng có thể tăng liều đến 200g), Cam thảo 12g. Sắc uống. Tuỳ theo chứng trạng phối hợp gia thêm các vị khác hoặc truyền dịch Glucoza, vitamin, nội tiết tố… đã điều trị 18 ca đều lành bệnh. Ngày điều trị trung bình 3-6 ngày.
Ngoài ra, có báo cáo dùng Thổ phục linh, Địa du, Thanh hao, Rễ tranh mỗi thứ là 40g để sắc uống. Hoặc phối hợp với dịch truyền Glucoza, thuốc trấn tĩnh, cầm máu… đã điều trị 14 ca. Kết qủa là sau 1-2 ngày các triệu chứng đau giảm nhiều hoặc hết hẳn, có 4 ca không có kết quả. Phản ứng phụ là lợm giọng, buồn nôn.
* Điều trị chàm, phong chẩn, đơn độc: Thổ phục linh 40-80g sắc uống.
* Trị giang mai: Chủ yếu dùng Thổ phục linh làm quân, phối hợp Ngân hoa, Cam thảo hoặc Thương nhĩ tử; Cam thảo, Bạch tiễn bì hay Nhẫn đông đằng, Bồ công anh, Rau sam, Cam thảo sắc uống. Điều trị Giang mai thời kỳ phát bệnh và tiềm phục có kết qủa đến 90%, trong đó thời kỳ cuối lành bệnh đạt 50%.Bệnh cuối kỳ, các triệu chứng tê liệt, si ngốc có cải thiện chứng trạng rõ rệt. Đối với chứng trạng bẩm sinh ở trẻ em kèm theo viêm khoang miệng, điều trị đạt hiệu quả tốt.
Thổ phục linh hợp tễ: Thổ phục linh 60-120g, Thương nhĩ tử 15g, Bạch tiễn bì 15g, Cam thảo 8g, sắc chia uống ba lần. Một liệu trình 30 ngày, trị 400 ca kết quả tốt (Báo cáo của Chu Diên Sơn, Tạp chí Trung y Phúc Kiến)
Nếu dùng độc vị Thổ phục linh, mỗi ngày người lớn dùng 40-80g, sắc uống 10-20 ngày là một liệu trình. Cũng có khi dùng liều tới 300g, liệu trình hai tháng. Các chứng âm hư, tân dịch thiếu không nên dùng.
* Phòng trị bệnh sởi: Dùng dung dịch Thổ phục linh 100%, dưới 3 tuổi, mỗi ngày uống 30-50ml; trên 3 tuổi uống 50-60ml. Ngày uống ba lần, uống liên tục trong ba ngày; hoặc chế thành dung dịch tiêm bắp có tác dụng phòng trị bệnh sởi tốt.
* Trị lỵ trực khuẩn: Sử dụng mỗi ngày 40-300g Thổ phục linh, sắc uống hoặc thụt lưu đại tràng, một liệu trình là 7 ngày.
* Trị viêm thận cấp, mạn tính: Sử dụng Thổ phục linh uống có tác dụng chống viêm, lợi tiểu. Ngoài ra, dùng Thổ phục linh điều trị viêm bể thận, lao thận, lao hạch lâm ba (dùng tươi) đạt kết quả nhất định (Điền Nam bản thảo).
Phương thuốc
* Trị dương mai lở loét: Thổ phục linh 20-60g, dùng rượu nước sắc uống.
* Trị dương mai lâu năm không lành, gân xương sưng lở: Thổ phục linh 60g, Xuyên tiêu 8g, Cam thảo 12g, Thanh đằng 12g, dùng rượu nước sắc uống. (Xích thuỷ huyền châu)
* Trị tiểu tiện ra máu: Thổ phục linh 20g, Rễ chè 20g, sắc thêm đường uống (Giang tây thảo dược)
* Trị phong thấp đau nhức, sang lở: Thổ phục linh 20-40g hầm với thịt lợn, ăn thịt uống nước.
* Trị nhọt sưng chưa làm mủ: Dùng Thổ phục linh tán bột trộn với giấm, bôi tại chỗ (Điền nam bản thảo)
* Trị lao hạch, lở loét: Dùng Thổ phục linh sắc, tán bột hoặc nấu với gạo ăn. Nên dùng nhiều, kỵ đồ sắt (Tích Đức Đường kinh nghiệm phương).
* Trị viêm da: Thổ phục linh 20-40g, sắc uống hàng ngày (Giang tây thảo dược).
* Trị viêm da có mủ: Thổ phục linh 40g, Kim ngân hoa 40g, Cam thảo 12g. Sắc uống.
* Trị băng huyết, đới hạ: Thổ phục linh sắc thêm đường đỏ (nếu băng huyết) thêm đường trắng (nếu đới hạ) uống (Điền nam bản thảo)
* Trị cam tích gầy ốm, bụng to, phiền táo: Thổ phục linh 16g, Dã miên hoa căn 12g, tán bột nấu với gan lợn ăn; hoặc nấu với gạo ăn (Thảo y thảo dược giản tiện nghiệm phương hối biên).
* Trị giang mai: Thổ phục linh 40g, Hà thủ ô 20g, vỏ Núc nác 10g, Ké đầu ngựa 10g, gai Bồ kết (sao tồn tính) 8g. Sắc uống.
Lời bàn của các danh y
Sách Bản thảo hội biên viết: “Bệnh giang mai dùng khinh phấn điều trị lành bệnh nhưng tái phát, lâu ngày tay chân co rút, thành ngòi nhọt kéo dài không lành. Chỉ có dùng Thổ phục linh hoặc thêm Khiên ngưu sắc uống. Bệnh giang mai phát bệnh từ Dương minh, nếu dùng Khinh phấn điều trị thì sẽ làm cho thuỷ hư, can hoả vượng, xâm phạm tỳ thổ, thổ thuộc thấp, chủ da thịt, thấp nhiệt nung, đốt da thịt thành ung nhọt, nặng thì máu khô sinh co giật. Do đó, sách Nội Kinh nói: Khinh phấn hại da thịt, gân xương.
Thổ phục linh vị ngọt nhạt, tính lành, có tác dụng trừ thấp. Nếu thấp khí được trừ khử thì vinh vệ, gân xương được nuôi dưỡng, bệnh lành. Sách Cương mục viết: “Thổ phục linh kiện tỳ vị, khử phong thấp, tỳ vị mạnh thì vinh vệ đều hoà, phong thấp được giải”.
Sách Bản thảo chính nghĩa viết: “Thổ phục linh lợi thấp, khử nhiệt, giải độc, sở trường trị giang mai xâm nhập sâu kinh lạc, xương khớp, đau nhức, thối rữa, sang lở, đau họng”.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 15-30g dạng thuốc sắc, cao nước hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ: Không nên uống nước chè trong khi dùng thuốc.
Phan Văn Chiêu (CTQ số 87)