TINH HOA XANH

Phân biệt Dừa nước và Dừa cạn

Dừa nước hay còn gọi là rau Dừa nước, hay Du long thái (rau giống con rồng đang bơi) [Ludwwigia adscendans (L.) Hara], họ rau Dừa nước (Onagraceae) là loại thảo, mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ các phao xốp trắng, hình trứng. Thân hình trụ, mềm yếu, có rễ ở các mấu. Lá mọc so le, gốc thân đầu tù, hai mặt nhẵn. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu trắng. Quả nang. Cần phân biệt với cây Dừa nước (Nypa fruticans Wurmb. họ cau) mọc ở các rạch nước lợ ở một số vùng biển miền Nam: Cà Mau, Gò Công, Tân An...

Ở Việt Nam, rau Dừa nước phân bố ở hầu hết các tỉnh đồng bằng, trung du và vùng núi thấp. Thường mọc ở đầm lầy, ao hồ. Có thể thu hái quanh năm, nhiều nhất vào mùa thu, dùng tươi hay phơi khô.

Trong rau Dừa nước có chứa các thành phần flavonoid, tanin, chất nhầy, nhiều muối K, Na.

Theo YHCT, rau Dừa nước có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, mát máu, giải độc.

Rau dừa nước được dùng trong để chữa cảm sốt, ho khan, tiểu đục, phù thũng, lỵ ra máu. Đắp ngoài chữa sưng, lở, vết thương, nấm tóc. Liều dùng chung từ 10 - 20g; có thể đến 100g khô. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Một số bệnh, chứng thường dùng rau Dừa nước.

Viêm cầu thận cấp, đái ra dưỡng chấp và các bệnh đái đục khác, rau dừa nước 100-200g sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn; hoặc rau dừa nước 30-40g, rễ non Cây đa 20-30g (loại rễ mọc từ cành tủa xuống), nam Tỳ giải 15-20g (củ Kim cang gai), sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn.

Vết thương phần mềm, ứ máu, sưng tấy hoặc mụn nhọt, đinh độc: rau Dừa nước 30g, vỏ thân cây Gáo (lớp vỏ trắng) 30g, sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn.

Cảm sốt: rau Dừa nước 30g, Thài lài tía 10g, sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn.

    Dừa cạn còn gọi là Trường xuân hoa (Catharanthus roseus (L.) G. Don, họ Trúc đào (Apocynaceae).

    Dừa cạn là cây thuộc thảo, cao 0,4 - 0,8m. Lá mọc đối, hình thuôn dài 3-8cm, rộng 1-2,5cm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, 5 cánh hoa, màu hồng hay trắng. Quả gồm hai đại, mỗi đại chứa khoảng 12-20 hạt, màu nâu nhạt. Dừa cạn là cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, hiện nay, ở nước ta, dừa cạn phổ biến ở hầu hết các vùng miền, chủ yếu mọc hoang trên các bãi cát ven biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng... Còn được trồng làm cảnh và làm thuốc ở Hà Nội và các thành phố khác.

    Bộ phận dùng của dừa cạn là lá và rễ. Thường thu hái lá trước khi cây ra hoa vì lúc này hàm lượng hoạt chất alcaloid là cao nhất, đem phơi khô hoặc sấy nhẹ đến khô. Với rễ dừa cạn, sau khi rửa sạch đất cát, đem phơi khô hoặc sấy nhẹ ở 50 độ đến khô.

    Thành phần hóa học của dừa cạn chủ yếu là các alcaloid: vinblastin, vincristin, ajmalicin...

    Lá dDừa cạn có vị đắng, tính mát. Quy các kinh tâm, can với công năng hoạt huyết, tiêu thũng giải độc, an thần, hạ áp. Trị tăng huyết áp, tiểu đường, kinh nguyệt không đều, lỵ, bí tiểu tiện. Liều dùng chung của lá: từ 8-16g dưới dạng sắc hoặc hãm.

    Rễ Dừa cạn có vị đắng, tính mát, có độc. Quy kinh can, tâm, thận với công năng hạ huyết áp, giải độc, an thần. Dùng chủ yếu đối với bệnh tăng huyết áp. Còn dùng rễ để chiết xuất một số alcaloid trị một số bệnh ung thư. Liều dùng chung của rễ từ 8-12g dưới dạng sắc hoặc hãm.

    Như vậy, khác với rau Dừa nước thường dùng để trị một số bệnh chứng về bệnh đường tiết niệu như đái đục, đái khó, đái ra dưỡng trấp thì dừa cạn chủ yếu dùng trị bệnh tăng huyết áp, tinh thần căng thẳng.

    Tuyệt nhiên không dùng cây Dừa cạn để chữa bệnh ung thư vì ung thư là bệnh loạn sản tế bào, đối với thuốc dược liệu và thuốc YHCT nói chung chỉ có thể dùng hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư sau khi đã qua xạ trị, hoặc hóa trị liệu... nhằm tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện các tình trạng suy yếu cơ thể, hoặc cải thiện các chức năng tiêu hóa, tuần hoàn... giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Như ta đã biết, một vài alcaloid của dừa cạn như vincristin, vinblastin đã được chiết xuất và bào chế dưới dạng muối sulfat để tiêm, trị liệu đối với bệnh ung thư máu.

    Với những thông tin trên, hy vọng sẽ giúp độc giả hiểu thêm về công dụng của hai loài cây thuốc mang tên dừa. Đặc biệt là những thông tin cần thiết về cây dừa cạn.

    GS.TS. Phạm Xuân Sinh

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""