Cây Mơ cho rất nhiều vị thuốc: Khổ hạnh nhân (Semen Armeniacae) là nhân hạt khô của quả Mơ;
Nước cất hạt Mơ (Aqua Armeniacae amarae); Ô mai (Fructus Armeniacae praeparatus) quả Mơ được chế biến, phơi hay sấy khô; Dầu Hạnh nhân (Oleum Armeniacae) ép từ hạt Mơ.
Trong thịt quả có chứa acid xitric, acid tactric; chất đường, dextrin, tinh bột, caroten, lyponen, quexetin,... Nhân hạt có chất dầu, chất amygdalin. Dưới tác dụng của men emunsin, chất amygdalin cho acid xyanhyđric, aldehyt benzoic, benzandehyt và glucoza.
Theo Đông y, Ô mai có vị chua chát, tính ôn; vào kinh can, tỳ và phế. Có tác dụng thu liễm phế, sáp tràng, sinh tân, an hồi. Chữa ho lâu ngày do phế hư, hư nhiệt, phiền khát, tiêu chảy lâu ngày, lỵ ra máu, băng huyết, trừ giun... Liều dùng: 6 - 12g.
Săn ruột, cầm tiêu chảy. Trị lỵ lâu ngày, đại tiện lỏng, đại tiện ra máu: Ô mai 300g đốt tồn tính, nghiền bột mịn, luyện với giấm thanh thành viên, viên 4g. Mỗi lần dùng 20 viên, uống với nước cơm, lúc đói.
Liễm phế chỉ khái (làm sạch phổi, trừ ho): dùng bài Cao Ô mai: Ô mai, liều lượng tùy ý, sắc, cô đặc thành cao. Uống trước khi đi ngủ, thêm mật ong để uống. Chữa chứng ho lâu ngày.
Sinh tân chỉ khát. Trị chứng phiền nhiệt, miệng khô do hư.
Bài 1 - Ngọc tuyền hoàn: Ô mai 12g, Thiên hoa phấn 12g, Cát căn 12g, Hoàng kỳ 12g, Mạch đông 12g, Cam thảo 4g. Các vị nghiền thành bột, luyện với mật ong làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g; hoặc sắc uống.
Bài 2: Ô mai 6g, Thiên hoa phấn 6g, Ngọc trúc 6g, Thạch hộc 6g. Sắc uống.
Trừ giun giảm đau. Trị đau bụng do giun đũa
Bài 1 - Ô mai hoàn: Ô mai 12g, Phụ tử chế 12g, Hoàng liên 6g, Hoàng bá 6g, Can khương 6g, Xuyên tiêu 6g, Quế chi 8g, Tế tân 4g, Đương quy 12g, Đảng sâm 12g. Các vị tán bột mịn, luyện với mật ong làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g; hoặc sắc uống.
Bài 2: Ô mai 12g, Đại hoàng 12g, Mang tiêu 12g, Binh lang 12g, Chỉ thực 12g, vỏ rễ Xoan 12g, Xuyên tiêu 4g, Mộc hương 6g, Can khương 6g, Tế tân 4g. Sắc uống.
Bài 3: Ô mai 12g, Binh lang 12g, Vỏ rễ xoan 12g, Sử quân tử 12g. Sắc uống.
Dầu Hạt mơ làm thuốc bổ nhuận tràng với liều 5 - 15ml, dạng sữa; làm thuốc bôi chữa nẻ, trơn và bóng tóc.
Rượu mơ làm thuốc bổ, giúp ăn ngon miệng, giải khát, giải nhiệt.
Kiêng kỵ: Người bị sốt rét hoặc kiết lỵ mới phát; biểu tà chưa giải hoặc lý thực đều cấm dùng. Không nên ăn nhiều gây tổn thương răng.
TS. Nguyễn Đức Quang