TINH HOA XANH

Những điều cần biết về Actisô

Ac- ti - sô có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải, được trồng tại Pháp vào khoảng thế kỷ XV. Di thực vào nước ta đầu thế kỷ XX, được trồng tại Sapa, Tam Đảo và trồng nhiều tại Đà Lạt. Theo tài liệu của FAO, năm 1983, trên thế giới trồng 114.000 ha Ac-ti-sô, trong đó 90% diện tích thuộc vùng đồng bằng Địa Trung Hải. Những nước trồng nhiều Ac-ti-sô là Italia 52.000ha, Tây Ban Nha 23.000ha, Pháp 15.000ha, Mỹ La Tinh 6.000ha, Ma Rốc 5.000ha, Mỹ 4.000ha…


Cây Ac-ti-sô có tên khoa học là Cynara Scolymus,  họ hoa Cúc COMPOSITAE. Ac-ti-sô thuộc loại cây thảo, cao 1 - 1,5 mét, thân có lông mềm. Lá to dài, mọc so le, phiến lá ở gốc chia thùy. Cụm hoa hình đầu, gồm nhiều hoa hình ống màu lam tím đính trên đế hoa, xung quanh nhiều lá bắc. Cây ra hoa từ tháng 1 đến tháng 2.
Ac-ti-sô là loại cây trồng thích hợp với đất đai, khí hậu, thời tiết và độ cao tại thành phố Đà Lạt. Trên 1.200m cây Ac-ti-sô trổ hoa, dưới 1.200m cây tăng trưởng được nhưng không trổ hoa. Ac-ti-sô trồng tại Đà Lạt trước đây gồm hai chủng loại: Gros Vert de Laon (Artichaut Parisien) và Violet Hâtif du Midi. Từ năm 1989 trở lại đây, có nhiều giống Ac-ti-sô nước ngoài du nhập vào nước ta, có loại cho năng suất lá cao nhưng hoa lại nhỏ. Ac-ti-sô có thể trồng bằng hạt nhưng người ta thường trồng bằng mầm tách từ gốc của cây mẹ. Trước ngày giải phóng năm 1975, người dân Đà Lạt trồng Ac-ti-sô chủ yếu lấy hoa làm thực phẩm. Người ta dùng cụm hoa (lá bắc và đế hoa) hầm với thịt làm canh ăn. Sau ngày giải phóng, Ac-ti-sô được trồng để lấy lá tươi bán cho các Xí nghiệp Dược để làm thuốc, còn lá, hoa và thân, rễ phơi khô chế biến làm trà uống.


Thành phần hóa học trong cây Ac-ti-sô 
Lá Ac-ti-sô: Người ta đã phân lập được khoảng 20 hợp chất hữu cơ gồm: Triterpen, sterol, guaianolit (cynarapicrine), flavonoit, các axit alcol (malic, suxinic, lactic, fumaric, glyceric, citric, glycolic), axit hydro xymethyl acrilic, các este của axit phenol (cynarin) và axit phenol tự do (axit cafeic, quinic, chlorogenic, neochlogenic).
Hoạt chất chủ yếu là cynarin (dieste 1,3 của axit cafeic và axit quinic). Hàm lượng của cynarin, axit phenol tập trung chủ yếu trong lá (7,20g/kg), có ít ở cuống lá (0,52g/kg) và thay đổi theo thời kỳ sinh trưởng của lá. Hàm lượng hợp chất cao nhất là lúc cây sắp ra hoa, ở lá non nhiều hơn lá già, ở phiến lá nhiều hơn cuống lá, ở chóp lá nhiều hơn gốc  lá.
Trong lá Ac-ti-sô có nhiều muối khoáng chứa các chất Na, K, Ca, Cl, Br, Mn, Cu, Cr, Zn… ngoài ra còn có các enzym và các vitamin.Hoa Ac-ti-sô: Chứa 3 – 3,15% protit; 0,1 – 0,3% lipit; 11 – 16% gluxit, 82% nước, các muối khoáng, các vitamin A, B1, B2, C.Rễ Ac-ti-sô: Có chứa các muối khoáng, chất đường, chất nhày.
Tác dụng của Ac-ti-sô 
Ac-ti-sô là cây thuốc được dùng chữa bệnh gan mật từ lâu đời. 
Cynarin và poly phenol trong cây Ac-ti-sô có tác dụng chủ yếu:
* Làm kích thích gan, tạo và bài tiết mật.
* Làm giảm cholesterol trong máu, giảm urê máu, giảm lipit máu, hạ huyết áp.
* Bảo vệ gan nhất là khi ngộ độc rượu.
* Lợi tiểu.
Chất đường trong hoa và rễ Ac-ti-sô chủ yếu là insulin, đó là loại đường đa, không làm tăng mà còn làm hạ lượng đường nên rất tốt cho những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường. Ngoài thị trường hiện nay đã có các chế phẩm sản xuất từ lá tươi Ac-ti-sô dùng để làm thuốc như: Chophytol, Cynaphytol, hoàn Ac-ti-sô, ống Ac-ti-sô. Lá, hoa, thân, rễ Ac-ti-sô khô được dùng để chế biến trà thực phẩm.
Bảo quản và chế biến Ac-ti-sô 
Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu ngũ cốc và cây kỹ thuật Paris (Pháp), các hoạt chất poly phenol trong lá Ac-ti-sô tươi như Cynarin, axit  cafeic, chlorogenic, axit alcol… sẽ bị các enzym oxd – khử (oxidaz, catalaz, oxigenaz, cynaraz) phá hủy trong quá trình phơi sấy chế biến. Phơi sấy ở nhiệt độ càng cao thì sự phá hủy hoạt chất càng lớn vì các enzym ấy có tính chịu nhiệt bền. Khi phơi sấy ở nhiệt độ 20 – 25 độ C, các dẫn chất poly phenol bị giảm 40%, khi sấy ở nhiệt độ 60 độ C  các dẫn xuất poly phenol bị giảm 80%. Sau khi phơi nắng ở nhiệt độ môi trường tự nhiên và điều kiện bảo quản ở độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi thì các enzym sẽ tái hoạt động và làm giảm hoạt chất của Ac-ti-sô thêm nữa. Muốn giữ cho hoạt chất poly phenol còn nguyên vẹn, khi thu hái lá Ac-ti-sô về cần rửa sạch, hấp ngay vào nồi hơi còn đang sôi trong 5 phút rồi phơi khô ở nhiệt độ nắng tốt, sau đó đem chiết xuất ngay trong vòng 24 giờ bằng cồn 70 độ thì có thể giữ được gần 100% hoạt chất.Hệ thống enzym trong cây Ac-ti-sô hoạt động mạnh ở pH 4 – 7,6 vì vậy khi thu hoạch lá Ac-ti-sô tươi cần rửa sạch và ngâm ngay vào dung dịch axit citric 1% (pH = 3) rồi phơi khô ở nhiệt độ môi trường bình thường, chỉ mất 8 – 12% hoạt chất. Khi chiết xuất hoạt chất cần tiến hành càng nhanh càng tốt vì nếu kéo dài thời gian càng lâu càng làm giảm hoạt chất.
Từ năm 1987 đến nay, Xí nghiệp liên hợp Dược Lâm Đồng (nay là Công ty cổ phần Dược và Vật tư y tế Lâm Đồng) đã loại hẳn các mặt hàng sản xuất từ lá khô Ac-ti-sô. Chất lượng cao mềm lá tươi Ac-ti-sô do công ty sản xuất, định lượng hoạt chất theo poly phenol toàn phần biểu thị bằng cynarin trong chế phẩm khô đạt từ 4% trở lên. Từ nguyên liệu này, hàng năm công ty đã sản xuất ra hàng ngàn cân hoàn Ac-ti-sô, hàng triệu viên cynaphytol và hàng nghìn lít ống uống Ac-ti-sô để chữa bệnh gan mật, được Bộ Y tế cho phép lưu hành toàn quốc.
Tuy nhiên, trên thị trường Đà Lạt, sản phẩm từ  cây Ac-ti-sô của nhiều tập thể và tư nhân vẫn làm từ lá, hoa, thân, rễ khô nên hoạt chất có tác dụng chữa bệnh hầu như không còn. Chúng ta cần đầu tư, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để chống giảm hoạt chất trong việc sơ chế, chế biến cây Ac-ti-sô để sản phẩm sản xuất từ cây Ac-ti-sô đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và có tác dụng đối với sức khỏe con người hơn nữa.

DS. Nguyễn Thọ Biên (CTQ số 66)

 

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""