Nghệ đen có tác dụng tốt cho các bệnh lý về đường tiêu hoá như viêm mạc và loét hành tá tràng, ăn uống chậm tiêu, thường đau bụng chưa rõ nguyên nhân, buồn nôn, ho, kinh nguyệt không đều.
Nghệ đen còn được gọi là Nghệ tím, Tam nại, Nghệ xanh, Bồng truật, trong Đông y gọi là Nga truật. Tên khoa học Curcuma zedoaria (Berg) Roscoe. Nga truật (Rhizoma zedoariae) là thân rễ phơi khô của cây nghệ tím (Curcuma zedoaria).
Nghệ đen là loại cây thảo cao từ 1 đến 1,5m, thân rễ hình nón với nhiều nhánh phụ thon như hình quả trứng tỏa xung quanh như hình chân vịt, cây, củ mẫm và chắc. Lá có bẹ to ôm vào chân cây ở phía dưới, có đóm tía đỏ ở gần giữa mặt trên, lá dài 30 - 60cm, rộng 7 - 8cm. Cuống lá ngắn hoặc không có. Hoa màu vàng, đài có thuỳ hình mác tù, dài 15mm thuỳ giữa nhọn; cánh môi hẹp ở phía dưới và rộng ở phía trên, mọc ngang dài từ 15 - 20cm, thường mọc trước khi ra lá, cụm hoa tập trung thành bông hình trụ, mọc lên từ thân rễ. Lá bắc phía dưới hình quả trứng hay hình mác tù màu xanh lục nhạt, đầu lá màu đỏ, không mang hoa. Quả hình trứng, ba cạnh, nhẵn hạt thuôn, áo hạt trắng. Mùa có hoa quả vào tháng 3 - 5.
Nghệ đen mọc hoang ở rừng núi Việt Nam, sinh trưởng tốt ở những nơi ven suối nước, những rẫy, mương, những vùng đất khô, xốp có độ ẩm của vùng Trung du, miền núi. Nghệ đen được trồng đại trà bằng thân rễ.
Bộ phận dùng là thân, rễ tươi hoặc khô khi thu củ, vỏ ngoài vàng nâu, trong xanh thẫm, thu hái về cắt bỏ rễ con, luộc chín. Có nơi ngâm dấm cứ 600g Nghệ đen ngâm với 160g dấm và 160g nước cho vào niêu ấm đất đậy nắp kỹ đun cho đến vừa cạn rồi thái mỏng phơi khô.
Thu hái Nghệ đen vào đầu tháng 11-12, loại bỏ cây, thân và lá.
Nghệ đen có tác dụng rất tốt cho các bệnh lý về đường tiêu hoá như viêm niêm mạc và loét hành tá tràng, ăn uống chậm tiêu, thường đau bụng chưa rõ nguyên nhân, buồn nôn, ho, kinh nguyệt không đều. Nghệ đen còn là thuốc bổ dùng dưới dạng thuốc sắc, bột hoặc viên nên phải cho thêm Mật ong.
Theo Đông y, Nghệ đen có vị đắng, cay, tính ôn và kinh can có tác dụng hành khí, phá huyết, tiêu tích hoá thực, dùng chữa trẻ con bú sữa bị nôn, trớ ra ngoài. Dùng Nghệ đen 4g, ba hạt muối ăn sắc chung với sữa sôi 5-7 phút hoà tan ngưu hoàng (lượng bằng hạt gạo cho trẻ uống).
Trong Tây y, Nghệ đen có trong đơn thuốc bổ Elixir de longue vie (rượu thuốc bổ sống lâu) gồm các vị Lô hội 25g, Long đờm thảo 5g, Đại hoàng 2,5g, Nghệ đen 2,5g, Phan hồng hoa 2,5g, các vị trên thái nhỏ, ngâm trong 2.000ml cồn 60 độ, trong vòng 10 ngày, sau đó, lọc lấy rượu để uống 2-5ml/ngày. Nếu uống quá nhiều sẽ có tác dụng nhuận tràng, không chỉ định cho người bị viêm dạ dày hành tá tràng.
Hiện ở Quy Nhơn, các bệnh nhân có chẩn đoán đau, viêm loét dạ dày tá tràng hoặc bệnh lý đại tràng mãn thể táo dùng Nghệ đen với Mật ong cho kết quả tốt. Có bệnh nhân đã dùng bột Nghệ đen, Mật ong uống kèm theo 1-2 viên Tetracyclin 500mg điều trị hàng tháng với viêm loét dạ dày hành tá tràng, sau chụp phim Xquang dạ dày tá tràng không thấy có ổ đọng thuốc. Có bệnh nhân viêm đại tràng mãn thể táo còn uống bột Nghệ đen với Dầu mè đen giúp tiêu hoá bình thường, hết táo kéo dài.
Lượng dùng Nghệ đen cho các bệnh nhân nói trên ngày từ 4-6g sắc uống nhưng thường dùng dưới dạng bột Nghệ đen có ít Mật ong hoặc Dầu mè đen.
Thành phần hoá học của Nghệ đen: Nghệ đen có từ 1-1,5% tinh dầu, 3,5% chất nhày, chất nhựa. Trong tinh dầu thành phần chủ yếu có 48% sesquiterpen ancol, 35% zingibezen, 9,6% cineol, các D-camphen, D-campho.