TINH HOA XANH

Mù u

Cây Mù u, tên khoa học, thuộc họ Cồng-CALOPHYLLACEAE. Theo kinh nghiệm dân gian, nhựa, hạt, rễ cây Mù u đều dùng làm thuốc chữa bệnh giải ngộ độc thức ăn, no hơi sình bụng, sưng họng, đau nhức xương…
Mù u là loại cây thân gỗ lớn, sống lâu năm, mọc hoang ở ven đường hay gần đình, chùa, miếu mạo… Thân cây có lớp vỏ dày, xù xì, thường tiết ra nhựa màu vàng – màu hổ phách – từ các vết hở. Gỗ có màu đỏ sậm, các sợi gỗ xoắn lại với nhau, nhiều dầu, khi cháy có mùi thơm đặc trưng. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục, dài khoảng 15cm, rộng khoảng 10cm, mặt trên láng; hoa màu xanh lục. Khi quả chín lớp vỏ ngoài mềm, có màu vàng, tiếp đến là hạt có vỏ rất cứng, bên trong vỏ là nhân có màu vàng, chứa nhiều dầu. 


Ngoài một số bệnh kể trên, Mù u còn được dùng để chữa một số chứng bệnh khác như: Tràng nhạc: Nhựa Mù u 20g, nhựa cây Sứ 20g, nước sôi để nguội 10 muỗng (muỗng cà phê), quấy đều và bôi vào chỗ đau, ngày bôi 2 – 3 lần, bôi khoảng 3 ngày liền.
Sưng họng: Nhựa Mù u 20g, 5 lá Rẻ quạt vắt lấy nước. Quấy đều hai thứ, bôi vào bên ngoài họng (chỗ đau), ngày bôi 2 – 3 lần, bôi khoảng 5 ngày.
Nhức xương, đau lưng: Rễ cây Mù u 20g, cành Dâu 10g, rễ Cỏ xước 10g, sắc uống, ngày uống hai lần, uống trong ba ngày liền.
Mụn chưa vỡ: Nhân Mù u 2 hạt; Tỏi 5 tép. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào chỗ đau, ngày thay một lần, làm như thế vài ngày mụn sẽ bung mủ và mở miệng.
Các cụ già cho biết, gỗ Mù u cứng và rất dẻo nên ngày trước ngoài lấy gỗ ra, người ta còn lựa những cây to, thẳng, đục rỗng ruột để làm bộng ép dầu các loại, còn nhân quả Mù u thì ép lấy dầu để thắp sáng.

Lê Văn Kỳ (CTQ số 83)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""