Đông y rất chú ý nghiên cứu dùng lúa gạo làm thuốc. Lương y Phan Tấn Tô đã nghiên cứu sưu tầm được nhiều bài thuốc dùng lúa, gạo, cơm làm thuốc bổ dưỡng sức khỏe, thuốc trị bệnh. Theo lương y, lúa gạo tẻ, gạo nếp và những chế phẩm của chúng đều có thể làm thuốc.
Gạo tẻ (còn gọi là Ngạnh mễ) vị ngọt, tính bình, làm cho khỏi khát, tiêu đàm, cầm ỉa, làm thuốc bổ dưỡng khí huyết. Ngày dùng 20 – 30g hoặc nhiều hơn.
Gạo nếp có vị ngọt, tính ấm, làm ấm bụng, mạnh tỳ, bổ phế thận, trị ói mửa, tỳ vị hư yếu, đau dạ dầy, tiểu tiện ra chất nhờn. Ngày dùng 12 – 20g hoặc nhiều hơn.
Gạo lâu năm (còn gọi là Trần mễ) gạo càng để lâu năm càng tốt. Gạo này vị chua mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng nuôi dưỡng vị khí, tiêu thực, trừ phiền khát, chữa đầy tức, cầm tả lỵ. Ngày dùng 12 – 30g hoặc nhiều hơn.
Các nhà dược học Mỹ cũng dùng gạo rang chữa tiêu chảy. Gạo rang cháy tán thành bột pha chè uống thay nước. Hội Dược lý Mỹ dùng cám gạo cho da đẹp…, dùng cám gạo bọc trong lớp vải mịn, chà xát lên da thay xà phòng hoặc dùng cám gạo làm nẹp cố định xương gẫy (theo Rau hoa quả chữa bệnh).
Dưới đây là những bài thuốc trích từ sách Chữa bệnh bằng thức ăn thông thường của LY.Phan Tấn Tô:
BÀI THUỐC TỪ CƠM GẠO TẺ
1. Ỉa lỏng khát nước: Gạo tẻ 20 – 30g, rang cháy đen các hạt dính nhau. Dùng nước sôi pha như pha chè uống hoặc sau khi rang cháy, thêm 1,5 lít nước sắc uống. Vừa có tác dụng cầm ỉa, vừa tiêu thức ăn tích tụ, hết trướng bụng.
2. Hoắc loạn, thổ tả, phiền khát, người mệt lả, bệnh nguy cấp: Gạo tẻ 20g sao, tán mịn, nước vòi măng tre 10g (giã nát vắt lấy nước). Hai thứ hòa chung với một chén nước sôi, để nguội uống từng hớp.
3. Đờm nhiều sinh suyễn: Dùng tỏi giã nát với bột gạo tẻ, làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 8 – 10 viên với nước muối, nấu sôi để nguội, uống vào lúc đói bụng. Ngày 3 – 4 lần.
4. Mồ hôi ra không ngừng: Gạo tẻ trắng, tán mịn, bỏ vào túi vải, xát luôn, sẽ đỡ dần rồi lành.
5. Ăn vào mửa ra, thổ ra: Gạo lâu năm, nấu nước uống từng muỗng nhỏ, cách 10 – 15 phút uống một lần.
6. Trẻ em đi tướt: Gạo lâu năm sao thật vàng 30 – 40g, Gừng tươi 2g thêm vào 3 bát nước, nấu cháo cho ăn, có thể lọc nước cho uống. Nếu trẻ đi tướt vì nhiệt (môi đỏ hồng, khát nước, đít nóng đỏ) thì chỉ dùng gạo không sao.
7. Động thai ra huyết: Trứng gà 2 quả, luộc hồng đào, trộn đều bột gạo tẻ, ăn.
BÀI THUỐC TỪ CƠM GẠO NẾP
1. Bệnh lỵ cấm khẩu: Lúa nếp 80g sao giòn nở đều, nhặt bỏ trấu, rưới nước vừa ẩm, trộn đều. Sao lại lần hai cho giòn, tán mịn. Mỗi lần dùng một thìa canh bột hòa với nước uống, ngày vài lần.
2. Ụa mửa ra nước chua: Gạo nếp 12g sao vàng, Gừng tươi 5 lát sắc với 1,5 bát nước để còn một nửa. Uống từng hớp một. Thang này còn dùng để chữa thương hàn, mình nóng sốt, nôn ọe kèm theo nhiều chứng nguy cấp.
3. Tỳ vị hư yếu, ỉa lỏng lâu ngày: Gạo nếp 40g (ngâm nước một đêm, phơi khô, sao vàng), Hoài sơn 40g, Hồ tiêu 20g tán mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 10g, hòa nước đường uống, ngày 3 lần.
4. Hoắc loạn, thổ tả, nguy cấp: Gạo nếp 12g, Gừng tươi 3 lát. Giã nát gạo hòa thêm ít nước, lọc bỏ bã uống dần.
5. Trẻ ho ra máu: Gạo nếp 24g, Rễ dâu 40g, sao vàng tán mịn, mỗi lần dùng 6g, uống với nước cơm mỗi ngày 3 lần.
6. Trẻ mới đẻ hay bị ọc sữa: Gạo nếp 10 hạt (sao đen), nước 12ml, sữa 12ml cho vào chén đun cách thủy, uống dần.
7. Đau dạ dày: Ăn cơm nếp nấu nhão hàng ngày.
8. Lao tâm thổ huyết: Gạo nếp 20g, Tim sen 7 cái, tán mịn, thêm chút rượu uống.
9. Thiếu sữa: Gạo nếp 40g, Nõn dứa gai 80g, thêm 3 lát Gừng, nấu cháo, bỏ Nõn dứa, ăn cháo.
10. Vú sưng đau nhức: Gạo nếp 40g, Cam thảo 10g, nấu nước uống trong ngày, có thể dùng lá Bồ công anh giã nát đắp bên ngoài vú.
TRƯỜNG AN (CTQ số 108)