Huyết kiệt là nhựa khô phủ lên quả của cây Kỳ lân kiệt (Calamus draco Wild.) hoặc một số cây Song mây khác cùng chi (Calamus propinquus Becc.), thuộc họ Dừa (PALMACEAE).
Huyết kiệt có chất nhựa (dracocacmin, dracorubin), ester của acid benzoic và acid benzoylacetic với dracoresitanol, acid benzoic tự do và tinh dầu, anthoxyan… Tây y dùng làm thuốc bổ và chất săn da.
Theo Đông y, Huyết kiệt vị ngọt mặn, tính bình; vào kinh Tâm bào và Can. Có tác dụng hoạt huyết, trừ ứ, sinh tân, giảm đau; thu mụn nhọt, lên da non. Chữa chấn thương huyết tụ, kinh nguyệt bế tắc gây đau; cầm máu chữa lành vết thương; trừ tà khí trong ngũ tạng. Liều dùng: 3 - 4g. Dùng ngoài liều lượng vừa đủ.
Một số bài thuốc có dùng huyết kiệt:
Trừ ứ, giảm đau. Dùng cho phụ nữ tắc kinh, ứ trệ sau khi đẻ, ngã chấn thương ứ đau.
Bài 1 - Bột thất ly: Nhũ hương 6g, Chu sa 6g, Một dược 6g, Huyết kiệt 8g, Hồng hoa 8g, Nhi trà 12g, Xạ hương 2g, Băng phiến 4g. Tất cả nghiền bột mịn. Mỗi lần 2,4 - 3g, chiêu với đồng tiện và rượu. Trị đau do chấn thương do đánh ngã.
Bài 2: Huyết kiệt 20g, Quế chi 20g, Đại hồi 20g, Địa liền 20g, Thiên niên kiện 20g. Các vị tán nhỏ, ngâm với 500ml rượu 350 trong 1 tuần, chắt nước thuốc ra chén nhỏ, dùng bông thấm bôi lên vết thương. Tác dụng thông huyết ứ, giảm đau. Trị bong gân, tụ máu.
Lên da non, thu mụn nhọt. Dùng khi mụn nhọt lâu không khỏi.
Bài 1: Huyết kiệt 4g, Nhi trà 6g, Nhũ hương 6g, Một dược 6g. Các vị nghiền bột mịn, rắc ngoài da. Trị mụn nhọt lâu không khỏi.
Bài 2: Huyết kiệt 6g, Colophan 20g, Một dược 20g, Hạt thầu dầu 20g, nhân Ba đậu 0,6; hạt Gấc 6 hạt, Hạnh nhân sống 63g, khinh phấn 63g. Các vị chế thành thuốc cao, phết lên vải gạc, đắp chỗ đau. Cứ 10 - 15 ngày thay cao 1 lần (nếu trên cao có mủ, lấy nước rửa sạch sau đó hơ nóng, đắp lại lên chỗ đau). Trị lao hạch.
Bài 3: Huyết kiệt, Bồ hoàng liều lượng bằng nhau. Các vị tán bột mịn. Mỗi lần uống 10 - 12g. Hoặc rắc bột lên vết thương. Chữa xuất huyết do chấn thương. Ngoài ra, bột thuốc này còn trị chảy máu cam bằng cách thổi bột thuốc vào mũi.
Bổ máu: Huyết kiệt, Hà thủ ô đỏ, Hoài sơn, Thỏ ty tử, Đỗ đen (sao cháy) , Vừng đen (sao) mỗi vị 100g; Ngải cứu 20g. Các vị tán bột, trộn với mật làm hoàn. Ngày uống 15 - 20g.
Lương y Thảo Nguyên