Hoàng kỳ là vị thuốc dường như không thể thiếu trong những bài thuốc bổ khí, được ví như “anh em sinh đôi” với Nhân sâm trong công dụng. Hoàng kỳ bổ khí mà khí liên quan đến thận - thận tàng tinh...
Mô tả cây
Tên tiếng Việt: Hoàng kỳ, Co nấm mò (Thái); tên khoa học: Astragalus membranaceus (Fisch) Bunge; họ: FABACEAE.
Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus (Fish) Bunge) là một cây sống lâu năm, cao 50 - 80cm, rễ cái dài và mọc sâu, rất khó bẻ, đường kính 1- 3cm, vỏ ngoài màu vàng đỏ hay nâu. Thân mọc thẳng đứng, trên có phân nhiều cành. Lá mọc so le, kép, dìa lẻ, có lá kèm hình 3 cạnh, 6 - 13 đôi lá chét hình trứng dài 5 - 23mm, mặt dưới có nhiều lông trắng mịn. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, dài hơn lá, gồm 5 - 22 hoa, màu vàng tươi. Quả giáp mỏng, dẹt, dài 2 - 2,5cm, đường kính 0,9 - l,2cm đầu dài ra thành hình gai nhọn, trên quả có lông ngắn, 5 - 6 hạt màu đen hình thận. Mùa hoa tại Trung Quốc vào các tháng 6 - 7, mùa quả vào các tháng 8 - 9 (Hà Bắc, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh).
Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn. Rễ phơi khô có tác dụng bổ khí, cố biểu, còn có tác dụng giải độc, sinh cơ và lợi niệu. Người xưa cho rằng Hoàng kỳ có tác dụng giải độc, bồi bổ tỳ - vị, bổ khí, thăng dương, ích vệ khí, dùng trị các chứng Tỳ khí hư nhược, các chứng khí bất nhiếp huyết, trung khí huyết hạ hãm, tỳ phế khí hư, khí huyết lưỡng suy, khí hư phát nhiệt, tăng cường chức năng tạng phủ.
Y học hiện đại, trong Hoàng kỳ có chứa các glucozid, glucose, sacarose, mucin, resin, acid amin, choline, acid folic, sitosterol, flavonoid, Fe, Mn, Zn. Có tác dụng tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa, oxy hóa, bảo vệ tế bào, làm mạnh tim, gan, dạ dày, tử cung, ngừa ung thư…
Cho đến nay ta vẫn chủ yếu phải nhập Hoàng kỳ của Trung Quốc. Cây Hoàng kỳ mọc hoang tại Trung Quốc, ưa những nơi đất cát, thoát nước tốt. Thường trồng sau 3 năm mới thu hoạch, sau 6 - 7 năm tốt hơn. Đào rễ vào mùa thu, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, phơi hay sấy khô.
Công dụng bổ khí
Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: “Khí thuộc dương, khi thai nhi trong bụng mẹ được khí huyết của mẹ nuôi dưỡng. Sau khi sinh ra được thức ăn đồ uống nuôi dưỡng. Khi ăn uống vào vị (dạ dày), vị làm chín nhừ thức ăn, các tinh chất đó được vận hóa xuống tiểu tràng (ruột non) thanh trọc biến thành khí. Khí ấy được chuyển sang tỳ (tuyến tụy) hóa thành tinh khí, tinh khí được nạp vào thận gọi là tinh - “thận tàng tinh”. Tinh ấy được thận hóa thành chính khí và nguyên khí.
Chính khí được đưa lên phế (phổi) kết hợp với khí trời biến thành tông khí, được trở lại chứa trong phế gọi là đại khí. Đại khí được chia thành 2 loại: dinh khí và vệ khí. Dinh khí đi trong huyết quản dẫn huyết đi nuôi cơ thể; vệ khí được lưu lại trong tạng phủ, cơ bắp, da thịt để bảo vệ cơ thể.
Nguyên khí được lưu lại trong thận để sinh ra huyết, xương, tủy, sinh ra tinh khí (tinh dịch và tinh trùng đối với nam, âm dịch và trứng đối với nữ).
Hoàng kỳ là vị thuốc thông dụng dùng để bổ khí, được ví như “anh em sinh đôi” của nhân sâm tuy công dụng của mỗi vị có khác nhau. Nếu như nhân sâm có tác dụng chính là đại bổ nguyên khí, dưỡng âm cho toàn thể trạng, hồi dương cứu mạng, hoàng kỳ là vị thuốc bổ khí thăng dương, có tác dụng chính trong việc bổ dưỡng cho những người yếu ớt, người ốm đau liên miên, thiếu dương, người ăn nói yếu ớt, sức khỏe dưới mức trung bình, mạch hay tế bào đều suy nhược, thiếu sức sống.
Trong các bài thuốc bổ thận, sinh tinh cần có các vị thuốc bổ khí như nhân sâm, hoàng kỳ.
Dưới đây là hai bài thuốc tiêu biểu có dùng đến Hoàng kỳ:
Bài thuốc Thập toàn đại bổ gồm: Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Thục địa 20g, Bạch thược 12g, Đảng sâm 12g, Bạch linh 12g, Bạch truật 12g, Cam thảo 10g, Hoàng kỳ 10g, Nhục quế 6g.
Bài thuốc Thập toàn đại bổ có công dụng bồi bổ khí huyết, còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hệ tuần hoàn, giúp thận khỏe - sinh tinh.
Quy tỳ thang: Nhân sâm 12g, Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 12g, Phục thần 12g, Toan táo nhân 12g, Long nhãn nhục 8g, Đương quy 8g, Viễn chí 4g, Mộc hương 1,5g, Cam thảo 1,5g, Gừng tươi 3 lát, Hồng táo 3 qủa; sắc uống.
Bài Quy tỳ thang được các thầy thuốc dùng chữa cho những người thuộc dạng bệnh: Tâm Tỳ lưỡng hư. Những người này có các triệu chứng: hư yếu, thể lực bị giảm sút, sắc mặt kém, thiếu máu, tinh thần bất an, đánh trống ngực dồn dập, hay quên, đêm ít ngủ, lo nghĩ vẩn vơ, hoặc bị sốt, đổ mồ hôi trộm, chân tay mệt mỏi, đại tiện có chiều hướng khó, ở phụ nữ kinh nguyệt thất thường, ở đàn ông thường bị chứng dương nuy, xuất tinh sớm...
BS. NGUYỄN PHÚ LÂM