Dãy núi Hoàng Liên Sơn nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, giáp với cao nguyên Vân Nam. Hoàng Liên Sơn được mệnh danh là “kho dược liệu thực vật khổng lồ” với nhiều loài cây thuốc quý và độc đáo, trong đó có cây Hoàng liên. Hoàng liên có hai loại: Hoàng liên gai và Hoàng liên ô rô. Hoàng liên gai tên khoa học là Berberis walichana DC, họ Hoàng liên gai BERBERIDACEAE. Hoàng liên gai là cây bụi, cao 2 – 3m, vỏ thân màu vàng sám nhạt. Lá mọc thành chùm 3 – 4 lá, có khi có 8 lá ở một đốt. Mỗi đốt, dưới chùm lá có gai ba nhánh. Cuống lá ngắn, phiến lá nguyên, hình mác, mép có răng cưa to, cứng; mặt trên màu xanh lục nhạt, mặt dưới màu trắng. Hoa màu vàng, mọc thành chùm. Trong thân và rễ Hoàng liên gai có chứa berberin, hàm lượng đạt tới 3 – 4%. Hoàng liên gai được dùng để chữa đi lỵ, đau mắt, ăn uống kém tiêu. Ngày dùng 4 – 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột uống. Khoa học dùng Hoàng liên gai làm nguyên liệu chiết xuất berberin. Hoàng liên gai ngâm rượu uống có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, đau ngang lưng và đau răng.
Nhân dân quanh vùng Sapa dùng hoàng liên gai để chữa nhiều bệnh. Nếu đau bụng chỉ cần giã lấy nước uống là khỏi. Khi bị xước sát, chảy máu, cạo lấy bột củ Hoàng liên gai rắc vào chỗ xước sẽ không bị nhiễm trùng mà vết thương lại mau lành. Trâu bò húc nhau bị thương cũng lấy hoàng liên gai đắp là khỏi.
Ngoài Hoàng liên còn có Đẳng sâm, Đương quy, Mộc hương, Tam thất, Nghệ đen, Xuyên khung, Nấm linh chi… Linh chi ở đây sống hoang dã trong rừng sâu giá lạnh nên thân cong queo, mũ nấm bé quắt, màu nâu xỉn nhưng dược tính của nó cao hơn nấm cấy rất nhiều.
Người Mông và người Dao còn có biệt tài chữa dập chân tay, chấn thương bằng những nắm lá lấy trong rừng. Đó là bí mật mà nhiều người chưa biết và chưa hiểu được. Người Dao còn có bài thuốc tránh thai, bài thuốc cho phụ nữ sinh nở bằng những lá cây rất hiệu nghiệm. Đó là bài thuốc cổ truyền mà cô gái nào cũng được mẹ truyền cho. Người Dao còn biết tắm lá thuốc để giữ gìn làn da…
Hoàng Liên Sơn quả là kho dược liệu quý hiếm, tiềm ẩn nhiều giá trị sử dụng, đang mong chờ các nhà khoa học nghiên cứu, khám phá để phục vụ cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Nguyễn Trương Tuấn (CTQ số 72)