Đương quy (Angelica sinensis) có nguồn gốc từ vùng núi lạnh miền Trung Trung Quốc. Nó đã được sử dụng trong y học cổ truyền các nước châu Á trong nhiều thiên niên kỷ.
Truyền thuyết về vị thuốc Đương quy
Nguồn gốc của Đương quy bắt nguồn từ một truyền thuyết Trung Quốc. Câu chuyện về sự chứng minh lòng can đảm của một thanh niên xung phong chinh phục núi Đại Sơn hùng vĩ thâm nghiêm hiểm trở.
Chàng trai đó tên là Vương Dũng, con người nho nhã, mới cưới vợ xinh đẹp nhất làng tên là Hồng. Bất chấp sự can ngăn của mọi người, Vương Dũng quyết định ra đi và dặn vợ sau 3 năm không thấy anh ta về thì hãy kết hôn với người khác. Nói xong anh ta chạy vội đi để khỏi trông thấy cảnh mẹ và vợ khóc than buồn rầu.
Sau 3 năm, Hồng chờ đợi thương nhớ Vương Dũng, làm lụng khổ sở vất vả, sợ cuộc sống cô đơn quá nên tinh thần suy sụp, khí huyết trì trệ, ăn ngủ không được, nên dần dần thành bệnh. Mẹ chồng hiền hậu thương con dâu, lại nghĩ con mình chắc chắn đã chết nên bảo nàng lấy chồng để có nơi nương tựa. Mặc dù Hồng rất yêu chồng nhưng chờ mãi không được, lại thấy bản thân hay đau ốm, cũng là một gánh nặng cho mẹ chồng, nàng đành vâng lời lấy một người đứng tuổi góa vợ trong làng.
Bất ngờ thay, Hồng tái giá chưa được bao lâu, thì Vương Dũng đột ngột trở về, thấy nhà cửa trống vắng, mẹ già ngồi ngẩn ngơ, cô vợ trẻ đẹp cũng không thấy bóng dáng. Sau khi anh nghe mẹ kể lại những tháng ngày gian khổ, bao nhiêu chí khí anh hùng tiêu tan hết, anh vô cùng ân hận.
Vương Dũng nhờ bạn bè đưa tin cho vợ biết mình đã trở về và xin gặp mặt một lần để tạ lỗi. Khi Hồng biết tin Vương Dũng về nàng gần như phát điên, hối hận và tự trách mình. Chịu không nổi sự day dứt, Hồng bỏ ăn ngủ và bệnh cũ lại tái phát. Bệnh tình của Hồng càng ngày càng nặng, các thầy lang đều phải lắc đầu bó tay. Vương Dũng nghe tin Hồng ốm bèn lấy bao thuốc mà anh đã thu được trong núi Đại Sơn, chọn một số rễ cây thuốc, nhờ bạn đem đến cho người chồng mới của Hồng và chỉ cách dùng.
Sau một thời gian uống thuốc của Dũng đem về, Hồng dần khỏe hơn và khỏi bệnh. Người chồng mới của Hồng rất thương cảm với nàng, tuy cảm thấy may mắn vì có được Hồng, nhưng giờ đây anh ta không muốn hạnh phúc của mình xây dựng trên sự đau khổ của người khác. Do đó, anh ta quyết định trả Hồng lại cho Vương Dũng.
Câu chuyện này được truyền tụng đi khắp nơi trong nước, ai nghe cũng cảm động. Vị thuốc Vương Dũng lấy từ núi về để cho Hồng khi ấy được gọi là “đương quy”, nghĩa là nên về, đáng về. Cho đến bây giờ, truyền thuyết đương quy vẫn còn được lưu truyền trong dân gian. Vị thuốc này chủ yếu dùng để điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe phụ nữ.
Tác dụng của vị thuốc Đương quy
Theo y học cổ truyền, các phần khác nhau của củ Đương quy có tác dụng khác nhau. Phần trên cùng (Quy đầu) chỉ huyết, phần thân giữa (Quy thân) bổ huyết và phần rễ (Quy vĩ) thiên về hoạt huyết, ngăn ngừa tình trạng ứ huyết. Trong nhiều thế kỷ, các thầy thuốc y học cổ truyền đã sử dụng các bài thuốc có vị Đương quy để điều trị các bệnh về tuần hoàn, hô hấp và sinh sản.
Ở phương Tây, từ những năm 1800 đến nay, các chuyên gia thảo dược dùng đương quy để điều trị các vấn đề sinh sản của phụ nữ, bao gồm: Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, hội chứng tiền mãn kinh, sản hậu.
Đương quy không chỉ dùng để chữa các bệnh sản phụ, mà còn dùng để chữa các bệnh khác. Một số nghiên cứu đã chứng minh Đương quy kết hợp với Hoàng kỳ có tác dụng tăng cường chức năng thận, tăng cường hệ miễn dịch. Đương quy có có chứa psoralen, được sử dụng kết hợp với liệu pháp UV để điều trị bệnh vẩy nến, phương pháp này giúp cải thiện bệnh vẩy nến trên 40 - 66% bệnh nhân.
Tinh dầu Đương quy có tác dụng kích thích tiêu hóa, tiêu đờm, lợi tiểu, lợi trung tiện. Người châu Âu sử dụng để điều trị cảm lạnh, khó tiêu, ho, bệnh phế quản, làm dịu thần kinh và kích thích sự thèm ăn.
Cách sử dụng Đương quy
Đương quy có thể sử dụng đơn độc hoặc phối ngũ với các vị thuốc Đông y khác thành phương thuốc để điều trị từng trường hợp bệnh cụ thể với liều dùng thông thường từ 6 - 18g.
Củ Đương quy còn được dùng trong các món ăn bài thuốc bổ dưỡng, hỗ trợ điều trị một số bệnh về phụ nữ, suy nhược cơ thể. Lá Đương quy có hương vị gần giống cần tây, được dùng để xào nấu như một loại rau, làm hương vị cho đồ ăn và đồ uống.
Đối với người Sámi (người bản địa ở miền bắc Scandinavia), Đương quy là nguồn thức ăn và dược liệu từ lâu đời. Họ sấy củ vào mùa thu và ăn nó như một loại rau trong những tháng mùa đông dài. Văn hóa của người Sámi chủ yếu là ăn thịt, họ dùng Đương quy để hỗ trợ tiêu hóa, chống lại bệnh dạ dày và bổ sung một số chất dinh dưỡng quan trọng: vitamin B12, thiamin, magie, sắt, riboflavin và kali.
TS. Phùng Tuấn Giang