TINH HOA XANH

Đương quy - Tác dụng và cách dùng

Đương quy (Angelica sinensis) có nguồn gốc từ vùng núi lạnh miền Trung Trung Quốc. Nó đã được sử dụng trong y học cổ truyền các nước châu Á trong nhiều thiên niên kỷ.

Tác dụng của vị thuốc đương quy

Theo y học cổ truyền, các phần khác nhau của củ Đương quy có tác dụng khác nhau. Phần trên cùng (Quy đầu) chỉ huyết, phần thân giữa (Quy thân) bổ huyết và phần rễ (Quy vĩ) thiên về hoạt huyết, ngăn ngừa tình trạng ứ huyết. Trong nhiều thế kỷ, các thầy thuốc y học cổ truyền đã sử dụng các bài thuốc có vị Đương quy để điều trị các bệnh về tuần hoàn, hô hấp và sinh sản.

Ở phương Tây, từ những năm 1800 đến nay, các chuyên gia thảo dược dùng Đương quy để điều trị các vấn đề sinh sản của phụ nữ, bao gồm: Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, hội chứng tiền mãn kinh, sản hậu.

Đương quy không chỉ dùng để chữa các bệnh sản phụ, mà còn dùng để chữa các bệnh khác. Một số nghiên cứu đã chứng minh Đương quy kết hợp với Hoàng kỳ có tác dụng tăng cường chức năng thận, tăng cường hệ miễn dịch. Đương quy có có chứa psoralen, được sử dụng kết hợp với liệu pháp UV để điều trị bệnh vẩy nến, phương pháp này giúp cải thiện bệnh vẩy nến trên 40 - 66% bệnh nhân.

Tinh dầu Đương quy có tác dụng kích thích tiêu hóa, tiêu đờm, lợi tiểu, lợi trung tiện. Người châu Âu sử dụng để điều trị cảm lạnh, khó tiêu, ho, bệnh phế quản, làm dịu thần kinh và kích thích sự thèm ăn.

Cách sử dụng Đương quy

Đương quy có thể sử dụng đơn độc hoặc phối ngũ với các vị thuốc Đông y khác thành phương thuốc để điều trị từng trường hợp bệnh cụ thể với liều dùng thông thường từ 6 - 18g.

Củ Đương quy còn được dùng trong các món ăn bài thuốc bổ dưỡng, hỗ trợ điều trị một số bệnh về phụ nữ, suy nhược cơ thể. Lá Đương quy có hương vị gần giống Cần tây, được dùng để xào nấu như một loại rau, làm hương vị cho đồ ăn và đồ uống.

Đối với người Sámi (người bản địa ở miền bắc Scandinavia), Đương quy là nguồn thức ăn và dược liệu từ lâu đời.  Họ sấy củ vào mùa thu và ăn nó như một loại rau trong những tháng mùa đông dài. Văn hóa của người Sámi chủ yếu là ăn thịt, họ dùng Đương quy để hỗ trợ tiêu hóa, chống lại bệnh dạ dày và bổ sung một số chất dinh dưỡng quan trọng: vitamin B12, thiamin, magie, sắt, riboflavin và kali.

Chú ý: Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang uống thuốc chống đông, phụ nữ có thai không nên sử dụng Đương quy.

Tiến sĩ Phùng Tuấn Giang

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""