TINH HOA XANH

Diệp hạ châu - Thuốc tiêu độc, lợi mật, lợi tiểu

Diệp hạ châu còn có tên Chó đẻ răng cưa, Chó đẻ, Cam kiềm. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây khô của cây Chó đẻ răng cưa (Phyllanthus urinaria L.), họ Thầu dầu (EUPHORBIACEAE). Cây cao khoảng 30cm, nhẵn, mang nhiều cành nhỏ, màu hơi tía. Lá mọc so le, xếp thành hai dãy sít nhau, trông như lá kép lông chim. Phiến lá thuôn bầu dục hay trái xoan ngược, dài 0,5 - 1,5cm, đầu nhọn hay hơi tù, màu xanh sẫm ở mặt trên, xanh nhạt ở mặt dưới, không cuống hay có cuống ngắn. Hoa màu trắng, mọc ở dưới lá, đơn tính, hoa đực và hoa cái cùng gốc. Quả nang hình cầu, nằm sát dưới lá. Quả có 6 hạt, hạt hình tam giác, màu nâu nhạt, lưng hạt có vân ngang.

Về thành phần hóa học, diệp hạ châu chứa flavonoid (kaempferol, quercetin, rutin...), triterpen (stigmasterol, õ-sitosterol...), tannin (acid elagic, acid galic...), acid hữu cơ...

Theo Đông y, diệp hạ châu vị ngọt đắng, tính bình; vào kinh can và phế. Có tác dụng tiêu độc, thông huyết, thanh can lợi mật, lợi tiểu. Chữa viêm gan hoàng đản, viêm họng, mụn nhọt, viêm da thần kinh, viêm thận, phù thũng, sốt rét, viêm ruột tiêu chảy. Ngày dùng 8 - 12g.

Một số bài thuốc có diệp hạ châu

Tiêu độc:

Bài 1: Diệp hạ châu 1 nắm, giã hoặc xay nát với ít muối, ép nước uống, bã đắp vào chỗ đau. Chữa nhọt độc sưng đau.

Bài 2: lá Chó đẻ, lá Thồm lồm liều lượng bằng nhau; Đinh hương 1 nụ. Tất cả giã nát, đắp chỗ đau. Chữa lở loét không liền miệng

Thanh can lợi mật:

    Bài 1: Diệp hạ châu 24g, Nhân trần 12g, Chi tử 8g, sài hồ 12g, Hạ khô thảo 12g. Sắc uống; uống liên tục 3 tháng. Trị viêm gan virut B.

    Bài 2: Diệp hạ châu 30g, Mã đề thảo 20g, Chi tử 12g. Sắc uống. Chữa viêm gan vàng da, viêm ruột tiêu chảy.

    Bài 3: Diệp hạ châu 16g, Bồ bồ 16g, vỏ Bưởi khô 5g, Hậu phác 8g; Thổ phục linh, Tích huyết thảo, Chi tử, rễ Đinh lăng mỗi vị 12g; vỏ cây đại 8g. Sắc uống. Chữa viêm gan virut.

    Thông huyết, hoạt huyết:

    Bài 1: lá Chó đẻ, Mần tưới mỗi thứ 1 nắm, có thể thêm bột Đại hoàng 8g. Tất cả giã nhỏ, thêm đồng tiện, vắt lấy nước uống; bã đắp. Chữa vết thương ứ máu.

    Bài  2: lá Chó đẻ 1 nắm, giã nhỏ, thêm ít vôi tôi, đắp lên vết thương khi bị thương, bị chém chảy máu.

    Chữa sốt rét:

    Bài 1: cây Chó đẻ 8g, Dạ giao đằng 10g, Thường sơn 12g, Thảo quả 10g, lá Mãng cầu tươi, dây Bân 10g, dây Cóc 4g, Binh lang 4g, Ô mai 4g. Sắc uống trước khi lên cơn 2 giờ. Chữa sốt rét.

    Bài 3: Diệp hạ châu 12g, Cam thảo đất 12g. Sắc uống hàng ngày. Chữa suy gan, sốt rét, nhiễm độc nổi mẩn mụn do nhiệt.

    Bài 4: cây Chó đẻ 10g, Cỏ nhọ nồi 20g, Xuyên tâm liên 10g. Các vị tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 - 5g. Chữa sốt rét.

    Ngoài cây chó đẻ răng cưa trên, người ta còn dùng cây chó đẻ răng cưa thân xanh - diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.). Cây cao hơn, cành có màu xanh, vị đắng; tác dụng như cây trên.

    Kiêng kỵ: phu nữ có thai không dùng.

    TS. Nguyễn Đức Quang

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""