Riềng là loại cây mọc hoang khắp đất nước ta, từ rừng núi đến đồng bằng. Củ riềng còn có tên gọi là Cao lương khương (mọc ở xứ cao lương, thuộc họ Gừng) nên mới có tên gọi này, còn có tên Tiểu lương khương, Phong khương, Riềng gió.
Theo Đông y, riềng vị cay tính nóng vào các kinh tỳ và vị. Có tác dụng ôn trung, tán hàn tiêu thực giảm đau. Dùng điều trị chứng đau vùng thượng vị do cảm phong hàn, ăn không tiêu, nôn mửa, ợ hơi, ợ chua, tiêu hóa kém... Nếu dùng làm thuốc thì dùng riềng mọc hoang trong rừng tốt hơn riềng trồng ở vườn nhà. Cao lương khương tính ôn nhiều hơn cay, đi vào phần lý, nội công thiên về tán hàn, giảm đau. Sinh khương cay nhiều hơn ôn đi vào phần biểu để giải biểu, khu hàn tà ở ngoài, phối hợp với cao lương khương để trị nôn.
Chú ý: Không dùng cao lương khương trong trường hợp cảm phong nhiệt, thương thử, nôn mửa hoắc loạn.
Bài thuốc điều trị cảm sốt, sốt rét, ăn kém: cao lương khương 40g tẩm dầu vừng sao, gừng khô 40g nướng cháy sém, hai vị thuốc trên tán thành bột mịn quyện với mật lợn làm viên hoàn, mỗi viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần mỗi lần uống 15-20 viên với nước đun sôi để ấm, uống liên tục 15 ngày.
Bài thuốc điều trị chứng vị hàn ăn không tiêu, nôn mửa: cao lương khương 12g, đại táo 2 quả, đổ 300ml nước đun lấy 100ml, chia hai lần uống trong ngày, uống trước khi ăn, uống liên tục 10 ngày.
Bài thuốc điều trị ho nhiều đờm trắng do cảm phong hàn: riềng mọc hoang trên rừng có tên gọi riềng gió, thu hái về rửa sạch, thái lát, trộn với vỏ quýt để lâu năm (trần bì) lượng bằng nhau, sao với mật mía, ngậm ngày 3-4 lần mỗi lần ngậm 3-4 lát, ngậm liên tục 7 ngày bệnh sẽ khỏi.
Bài thuốc“Lương phụ hoàn” -Bài thuốc kinh nghiệm. Điều trị chứng đau vùng vị quản do hàn, lúc đau lúc giảm: cao lương khương rửa sạch, thái lát phơi khô, hương phụ tứ chế, lượng bằng nhau, tán bột mịn, dùng nước cốt gừng vừa đủ làm viên hoàn, mỗi viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần mỗi lần uống 10 viên với nước cơm, uống liên tục 10 ngày bệnh sẽ khỏi.
Riềng làm gia vị: Trước hết là nấu với thịt chó có tác dụng cản mùi hôi có mùi thơm đặc biệt, làm cho thịt chó chóng nhừ khi ăn vào dễ tiêu hóa. Vào dịp Tết người ta thường nấu riềng với mật mía làm một món ăn ngày Tết để giúp cho tì vị tiêu hóa chất mỡ, đồng thời Tết thường vào dịp đại hàn rét nhiều nên món riềng còn giúp cơ thể khu hàn làm ấm cơ thể. Một số vùng nông thôn ngày Tết các cụ thường làm món chả riềng. Riềng tươi, rửa sạch thái lát luộc qua sau đó xào với mỡ để nhắm rượu, riềng có tác dụng tiêu thực nhưng cũng là vị thuốc giải rượu...
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng