Cỏ phượng vĩ thuộc cây thân thảo, có tên khoa học Pteris multifida Poir. Gọi là cỏ phượng vĩ, vì hình dạng cây nhìn giống đuôi phượng.
Cỏ phượng vĩ mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở quanh bờ giếng, chân tường, vách đất, rìa đường....
Theo Đông y, cỏ phượng vĩ có vị nhạt hơi đắng, tính lạnh, hơi độc. Vào 2 kinh thận và vị. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, chỉ huyết, tiêu thũng giải độc. Dùng chữa vàng da do viêm gan, viêm đường ruột, bệnh lỵ, đái đục, đái rắt, thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam), tiện huyết (đại tiện lẫn máu), niệu huyết (tiểu tiện lẫn máu), viêm amiđan, quai bị, ung nhọt, chàm...
Liều dùng: 9-15g khô hoặc 30-60g tươi sắc nước uống; có thể nghiền thành bột mịn hoặc giã vắt nước cốt uống; dùng ngoài giã đắp hoặc sắc nước rửa. Lưu ý, người mắc chứng hư hàn không dùng; cỏ seo gà tính lạnh nên người già, phụ nữ có thai sử dụng cần thận trọng.
Chữa bệnh lỵ trực trùng: Rễ và lá phượng vĩ, sao thơm 24g, nước 100ml, đun sôi, giữ sôi trong vòng 30 phút. Chia 2 hay 3 lần uống trong ngày. Hoặc có thể dùng chè tươi 100g, phượng vĩ khô 24g, thêm nước, đun sôi 30 phút. Chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.
Chữa viêm gan cấp tính: Dùng cỏ phượng vĩ tươi 90g, giã vắt lấy nước cốt uống ngày 3 lần, liên tục trong 5 ngày - 1 liệu trình.
Chữa viêm đường tiết niệu, đái ra máu: Dùng cỏ phượng vĩ tươi 60-120g, sắc nước uống trong ngày.
L.Y Vũ Quốc Trung