Trắc bá là loại cây thường được trồng làm cảnh trong sân nhiều chùa, viện, đình, đền, lăng tẩm...
Người phương Đông xem cây Trắc bá như khí tiết của người quân tử: xanh tốt quanh năm, chịu đựng mọi sự khắc nghiệt của thời tiết. Ngoài ra, cây Trắc bá còn là một loại cây cung cấp dược liệu có giá trị.
Cây Trắc bá còn gọi là cây Trắc bách, cây Bách, tên khoa học Thuja orientalis L.(Biota orientalis (L.) Endl.), thuộc họ Bách tán (ARAUCARIACEAE).
Cây thường cao khoảng 6 - 8m, có khi cao đến 20m, phân nhiều nhánh xếp theo những mặt phẳng thẳng đứng. Đường kính thân có khi đến 1m. Lá nhỏ mọc đối, hình vẩy dẹt, lợp lên nhau; lá ở nhánh non và nhánh già có hình dạng khác nhau. Nón cái tròn, ở gốc các cành. Nón quả hình trứng, có 6 - 8 vẩy dày, xếp đối nhau. Vỏ hạt cứng nhẵn, màu nâu sẫm, không có cánh.
Mùa ra hoa, quả từ tháng 3 - 9.
Trắc bá là cây của vùng Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar, được nhập trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi.
Người ta thu hái cành non với lá quanh năm, nhưng tốt nhất vào khoảng tháng 9 - 10, phơi khô để làm thuốc với tên dược liệu là Trắc bá diệp.
Hạt thu hái vào mùa đông, phơi khô rồi xát bỏ vỏ ngoài, lấy nhân phơi hoặc sấy khô để làm thuốc với tên Bá tử nhân.
Khi dùng Bá tử nhân, có thể để nguyên hoặc ép bỏ dầu. Trong lá Trắc bá có chứa tinh dầu và một số chất khác như: rhodoxanthin, amentoflavon, quercetin, myricetin, carotene, xanthophyll, acid ascorbic.
Trong hạt có chứa chất béo và saponosid (0,64%).
Theo y học cổ truyền, Trắc bá diệp có vị đắng, mùi thơm, tính hơi hàn. Tác dụng lương huyết, chỉ huyết, tiêu ứ, trừ thấp nhiệt. Thường dùng làm thuốc cầm máu, lợi tiểu, chữa ho sốt và trợ tiêu hóa.
Bá tử nhân có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ tâm tỳ, định thần làm ngưng mồ hôi, nhuận táo, thông đại tiện. Thường dùng chữa hồi hộp, mất ngủ, hay quên, người yếu ra nhiều mồ hôi, táo bón.
Người ta thường hay sao đen Trắc bá diệp để dùng trong các trường hợp thổ huyết, tiểu ra máu, tử cung xuất huyết, băng huyết, rong kinh. Liều dùng 6 - 12g lá. Sử dụng nhân hạt với liều lượng 4 - 12g/ngày.
Sau đây là một số bài thuốc có dùng Trắc bá diệp và Bá tử nhân:
Chữa rong kinh, băng huyết: Trắc bá diệp (sao đen) 12g, Ngải cứu 8g, Bạc hà 6g, buồng Cau điếc 6g. Sắc với 500ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Ho ra máu, thổ huyết: Trắc bá diệp (sao đen) 15g, Ngải cứu 15g, Gừng khô 6g. Sắc với 650ml còn 200ml. Chia 2,3 lần uống trước bữa ăn.
Trúng phong bất tỉnh, cắn rang, sùi bọt mép, bại liệt nửa người: lá Trắc bá (bỏ cành) 20g, củ Hành (cả rễ) 12g. Hai vị nghiền nát, sắc với rượu. Uống lúc còn ấm.
Trị rắn cắn: lá Trắc bá 100g, củ Gấu (Hương phụ) 100g. Hai vị rửa sạch, giã nát, chưng nóng với nước để rửa vết thương.
Trị bỏng hoặc vết thương do dao gây ra: giã nát lá Trắc bá non (không kể liều lượng), đắp lên chỗ đau.
Trị cao tuổi hoặc phụ nữ sau khi sinh bị táo bón:
Dùng bài thuốc “Ngũ nhân hoàn” (sách Thế y đắc hiệu phương) gồm có: Đào nhân 20g, Hạnh nhân 12g, Bá tử nhân 12g, Tùng tử nhân 4g, Úc lý nhân 4g, Trần bì 8g.
Tất cả tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 4 - 8g.
Trường hợp táo bón gây bệnh trĩ, tiêu ra máu, có thể thêm Hoa hòe (sao đen) 6g, Trắc bá diệp (sao đen) 6g, Cỏ mực (sao đen) 6g để cầm máu.
Trị sốt cao chảy máu cam, nôn ra máu, họng khô, lưỡi đỏ: lá Trắc bá, lá Sen, lá Ngải cứu, Cỏ mực, Sinh địa.
Tất cả đều dùng tươi, lượng bằng nhau (12 - 20g) giã nát lấy nước uống, hoặc sắc với 650ml còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Bài thuốc này có tên “Tứ sinh hoàn” (sách Phụ nhân lương phương). Trường hợp xuất huyết do hư hàn không nên dùng.
Lưu ý : phụ nữ có thai hoặc thời kỳ đang cho con bú sữa, không nên dùng Trắc bá diệp.
Lương y ĐINH CÔNG BẢY