Báo Thời sự dược học xuất bản tại Pháp năm 2006 có đăng một chuyên luận của Tiến sĩ Stéphane Barthélémy về vấn đề “Tự chữa các rối loạn tiêu hoá” trong đó có chứng táo bón. Tác giả coi là mắc chứng táo bón khi tần số đại tiện ít hơn 1 lần cho 3 ngày, phân thường rắn, ít và đi không hết.
Bên cạnh nhiều thuốc tây y như Soililol, tác giả cũng giới thiệu một số cây thuốc trong đó có cây Lô hội và Phan tả diệp dùng phổ biến ở nước ta.
Lô hội
Tên khoa học là Aloe sp. họ Hành tỏi, Cây này dùng được cả trong đông y và tây y. Lô là đen, hội là tụ lại (nhựa cây này có sắc đen, đóng thành bánh).
Ở miền Bắc nước ta có một loài Lô hội Aloe perfoliata chủ yếu để làm cảnh, còn ở miền Nam, cây này mọc hoang ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Cây làm thuốc thì chủ yếu ở Đông Phi, ấn Độ, Châu Mỹ nhập qua Pháp hay Trung Quốc là các loài sau đây.
- Aloe vulgaris Lamk (có ở Châu Phi, Ấn Độ)
- Aloe ferose L
- Aloe persyi Bak.
Có nhiều cách chế Lô hội :
1. Lấy nhựa từ lá, cô đặc nhựa trong nồi đồng.
2. Lá cắt nhỏ, ép, nước thu được cô cho đặc.
3. Nhúng lá vào nước sôi khi nước đen đặc đem cô lại.
Trước đây ở Ninh Thuận có sản xuất hàng năm 500-600kg Lô hội để dùng trong nước và xuất một phần sang Trung Quốc.
Thành phần hoá học gồm tinh dầu, nhựa (12-13%) và hoạt chất Aloin (tinh thể antraglucozid có tác dụng tẩy).
Tác dụng: ở liều thấp (0,05-0,10g) là thuốc bổ, giúp tiêu hoá, kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột.
Còn ở liều quá cao (tới 8g), có thể gây tử vong.
Phan tả diệp
Tên khoa học là Cassia augustifolia Vahl và Cassia acutifolia Delile họ Vang. Phan tả diệp là lá phơi hay sấy khô, dùng cả trong Đông y và Tây y (nhập từ Pháp và Trung Quốc); ngoài lá còn dùng cả quả.
Cây mọc hoang và trồng ở Châu Phi, Ấn Độ.
Thành phần hoá học: antraglucoizid chủ yếu là xenozid A và Xenozid B, ngoài ra còn aloe emodin và Rein.
Tác dụng dược lý: Nhuận tràng ở liều thấp, dùng liều cao có thể tẩy mạnh và gây đau bụng. Khi ngâm lá trong 24 giờ trước với 4 phần rượu 450, tính chất gây đau bụng giảm bớt nhưng tác dụng tẩy cũng giảm.
Công dụng : Chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, táo bón.
Liều dùng: Liều dùng 1-2 g/ngày có tác dụng giúp cho sự tiêu hoá; 3-4g/ngày có tác dụng nhuận tràng; 5-7g/ngày có tác dụng tẩy mạnh.
Dùng dạng thuốc sắc hay thuốc pha.
Lưu ý: Không dùng thuốc này cho phụ nữ có mang.
Nguyễn Khang (CTQ số 87)