Thất diệp nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), còn có tên gọi là Thất diệp chi mai, Độc cước liên, Thiết đăng đài, Chi hoa đầu, Tảo hưu, Thảo hà xa, Trọng lâu, Thất tử liên, Đăng đài thất... Tên khoa học: Paris polyphylla Smith, họ Hành Tỏi - LILIACEAE.
Là một loại cây thảo sống lâu năm, thường mọc rải rác dưới tán rừng ẩm trên núi đất hoặc đá vôi ở độ cao vài trăm mét đến trên 1500m miền Tây Trung Quốc và dãy núi Hymalaya. Ở nước ta, cây thuốc này mới được tìm thấy ở huyện Hoàng Xu Phì, tỉnh Hà Giang vào năm 1995, trên độ cao 1.650m và đã được xếp vào Sách Đỏ Việt nam.
Theo Dược học cổ truyền, Thất diệp nhất chi hoa vị đắng cay, tính lạnh; có công dụng thanh nhiệt giải độc, bình suyễn chỉ khái (làm hết hen suyễn và giảm ho), tức phong định kính (chống co giật), tiêu thũng chỉ thống (làm hết sưng nề và giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng bệnh như ung thũng, đinh độc (nhọt độc), lao lịch (lao hạch), hầu tý (viêm amydal), viêm khí phế quản cấp và mạn tính, trẻ em sốt cao co giật, rắn độc cắn, viêm da thần kinh, quai bị, thoát thư (viêm tắc động tĩnh mạch)...
Liều dùng : dùng thân rễ sắc uống mỗi ngày từ 4 đến 12g, dùng ngoài không kể liều lượng, giã nát thân rễ đắp lên vùng tổn thương nhằm mục đích sát trùng, tiêu sưng, giảm đau, chống loét.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn coli, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh...; kháng virut cúm; làm giãn phế quản, chống co thắt, trừ đờm và giảm ho; trấn tĩnh giảm đau; chống viêm và cầm máu; làm giảm mỡ máu; nâng cao năng lực hoạt động của tuyến vỏ thượng thận và đặc biệt là có tác dụng ức chế trực tiếp sự phát triển của tế bào ung thư. Nhiều nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc cho thấy, dịch chiết thất diệp nhất chi hoa đã góp phần kéo dài thời gian sống của những bệnh nhân bị ung thư dạ dày và ung thư phổi.
Như vậy, có thể thấy, Thất diệp nhất chi hoa là một trong những dược thảo quý có nhiều công dụng khác nhau, trong đó có tác dụng trị liệu các bệnh lý ác tính. Tuy nhiên, cây thuốc này còn chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa được di thực và trồng hái nhiều ở nước ta.
ThS. Hoàng Khánh Toàn