Theo y học cổ truyền (YHCT) Đơn là màu đỏ, biểu hiện ở một số triệu chứng như sưng nóng, đỏ, đau, ngứa... thực chất đó là các chứng viêm: Viêm cơ nhục, viêm vú, mụn nhọt, dị ứng, mẩn ngứa, ban chẩn... thuộc chứng phong nhiệt.
Mỗi cây mang tên Đơn đều mang tính vị và công dụng chữa bệnh riêng biệt.
Đơn rau má
Đơn rau má còn gọi là rau Vẩy ốc, Vẩy ốc đỏ. Cây thảo mọc nằm, bò, dài 30-50cm, bám rễ vào đất. Lá mọc so le, có phiến mỏng, mép lượn tai bèo hay có răng, nom như vẩy ốc hay lá rau má; cuống lá và mặt dưới lá có lông. Hoa màu hồng, trắng hay vàng ở nách lá, thường đơn độc, có 5 lá đài gắn liền với bầu; tràng hình môi có 5 thùy mà 2 cái trong hẹp, 3 cái ngoài hình trái xoan, nhị 5, bầu dạng trứng. Quả mọng, màu đen đen hay đỏ tím, tròn, to bằng quả bi, bao bởi 5 lá đài tồn tại. Hạt nhiều và nhỏ, hình trứng hẹp, nhẵn. Ra hoa tháng 4-6, quả tháng 6-8. Bộ phận dùng: toàn cây.
Thu hái cây vào mùa hạ - thu, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần. Theo YHCT, Đơn rau má có vị chát, tính hơi ấm, có tác dụng cố tinh, tiêu tích, tán ứ, hoạt huyết, tiêu sưng, giải nhiệt, hạ sốt. Ngày dùng 20-30g.
Dùng ngoài lấy cây tươi giã đắp trị vết thương phần mềm, áp-xe vú, đinh nhọt, viêm da có mủ;
Chữa thấp khớp: Đơn rau má 120g ngâm với 500ml rượu trắng. Sau 15-20 ngày là dùng được. Uống mỗi lần 10-15ml, ngày 2- 3 lần, uống trước bữa ăn.
Chữa kinh nguyệt không đều: Đơn rau má 20g, Ích mẫu thảo 15g, Hương phụ 9g. Sắc uống.
Trị di tinh ở nam giới hoặc khí hư bạch đới ở phụ nữ: Quả Đơn rau má, quả Kim anh (bỏ hạt), rễ Bạch quả, rễ Thích tật lê, rễ Thiên hoa phấn, mỗi vị 9g, sắc uống ngày 1 thang.
Đơn mặt trời
Đơn mặt trời còn gọi là Đơn lá đỏ hay Liễu đỏ. Cây nhỏ, cao chừng 1m. Lá mọc đối, hình bầu dục ngược thuôn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới màu tía, mép có răng cưa. Hoa mọc thành bông ở nách lá hay ở ngọn, cùng gốc hoặc khác gốc. Quả nang 3 mảnh. Hạt hình cầu, màu nâu nhạt. Cây ra hoa vào mùa hè, được trồng ở nhiều nơi làm cây cảnh và lấy lá làm thuốc
Có thể thu hái Đơn lá đỏ quanh năm để làm thuốc, song chủ yếu từ tháng 4 - 6, đặc biệt vào tháng 5 âm lịch, khi tiết trời thường xuyên có nắng to, cây phát triển tốt, lá to, dày, nhiều nhựa, màu lá đỏ tía, cũng là lúc cây cho hàm lượng hoạt chất cao. Lá được hái về, thái nhỏ sau đó phơi khô hoặc sao vàng. Bảo quản để nơi khô ráo, đậy kín, tránh ẩm mốc.
Dược liệu có vị đắng ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, khu phong trừ thấp, lợi tiểu, giảm đau, chữa mẩn ngứa, mụn nhọt, đi lỵ, tiểu ra máu, đại tiện ra máu. Liều 10-20g/ngày, sắc uống.
Chữa mẩn ngứa, mụn nhọt: Đơn lá đỏ 20g, sắc uống.
Chữa đại tiện lỏng lâu ngày: Lá Đơn đỏ sao vàng 15g, Gừng nướng 1 miếng; nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 phần uống trong ngày.
Chữa zona và mẩn ngứa, mất ngủ: Lá Đơn tía tươi 20-30g, sao vàng, hạ thổ; cho vào nồi, đổ ngập nước, sắc uống trong ngày.
Chữa đại tiện ra máu: Đơn lá đỏ 1 nắm sắc uống.
Trị nhọt vú, vú sưng tấy đỏ: Đơn lá đỏ 20g, sắc uống, chia 2-3 lần uống trong ngày. Ngoài ra có thể dùng lá khô, sao nóng, bọc vải, chườm nhẹ vào nơi sưng đau.
Chữa dị ứng, mề đay: Đơn lá đỏ 16-20g, sắc uống trong ngày.
Hoặc dùng bài: Đơn lá đỏ 16g, Kim ngân, Ké đầu ngựa, vỏ Núc nác, mỗi vị 10g, sắc uống.
Đơn tướng quân
Đơn tướng quân còn gọi là cây lá Khôi, Khôi nhung, Khôi tía. Cây cao chừng 2m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Lá tập trung ở đầu ngọn hay các nhánh bên; mặt trên màu lục sẫm mịn như nhung, mặt dưới màu tím đỏ, gân nổi hình mạng lưới, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành chùm, dài 10-15m, màu trắng pha hồng tím gồm 5 lá đài và 3 cánh hoa. Quả mọng, khi chín màu đỏ.
Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thường dùng tươi nhưng có thể phơi hay sấy khô để dùng dần. Đơn tướng quân có vị hơi chát có tác dụng giải độc, tiêu viêm chữa dị ứng, mẩn ngứa, mày đay, viêm họng, thấp khớp có sưng nóng đỏ đau.
Chữa mẩn ngứa, mày đay, dị ứng, nhọt độc, sưng tấy: Lá đơn tướng quân 10g, cắt thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia làm hai phần uống trong ngày.
Hoặc dùng bài: Lá đơn tướng quân, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, lá mã đề, mỗi vị 12g đơn đỏ 25g, sắc uống ngày 1 thang, uống trước bữa ăn.
Chữa dị ứng, lở ngứa, nổi mẩn: Lá đơn tướng quân 15g, sài đất 12g, kim ngân hoa 12g, cỏ nhọ nồi 12g, núc nác 8g, thổ phục linh 12g, đan bì 10g, xích thược 10g, đương quy vĩ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Dùng ngoài: Lá đơn tướng quân tươi 100g nấu lấy nước tắm rửa.
Chữa viêm họng, viêm phế quản: Lấy Đơn tướng quân 200g, nấu với nước, bỏ bã, cô thành cao đặc, trộn với bột nếp và mật ong hoàn viên. Ngày uống 10-20g; Cũng có thể ngậm viên thuốc, nuốt nước dần.
Hỗ trợ điều trị thấp khớp: Lá Đơn tướng quân 12g, rễ Gối hạc 16g, lá Đơn mặt trời 12g, lá Bạc thau (sao) 12g, dây Kim ngân 10g, Ké đầu ngựa 16g, lá thông 8g, sắc uống trong ngày.
Đơn lưỡi hổ
Đơn lưỡi hổ còn gọi là Đơn lưỡi cọp hay Lưỡi hùm. Cây nhỏ cao 15-30cm, thân tròn có nhiều đốt, trên mỗi đốt có một vết sẹo của lá đã rụng. Lá hình mác, mặt trên có những vằn ngang màu trắng xám, nom như lưỡi con hổ. Hoa nhỏ màu đỏ, mọc tụ họp trên thân cây. Mùa hoa quả, tháng 4-11.
Để làm thuốc người ta dùng lá, hái về, phơi, hay sấy khô. Rễ về rửa sạch thái mỏng phơi, sấy khô. Dược liệu có vị ngọt, tính hàn. Lá có tác dụng nhuận phế, chống ho. Hoa làm cầm máu.
Chữa ho khan: Lá Đơn lưỡi hổ 10g, Chà là 4 quả, lá Rẻ quạt 3g, vỏ Quýt 5g. Sắc uống ngày 1thang. Uống liền trong vài ngày.
Chữa viêm phế quản cấp: Lá Đơn lưỡi hổ 10g, củ Nghệ 5g, lá Rẻ quạt 5g, Cam thảo đất 10g Sắc uống ngày 1thang. Uống liền 5 -7 ngày.
Chữa ho ra máu: Hoa Đơn lưỡi hổ khô 10g, lá Huyết dụ sao cháy 5g, lá Trắc bách diệp sao cháy 10g, lá Nhọ nồi 5g. Sắc uống ngày 1thang. Uống liền 7 ngày là 1 liệu trình.
Chữa viêm họng: Hoa Đơn lưỡi hổ 10g, Cam thảo đất 10g, lá Rẻ quạt 3g, vỏ rễ Dâu 5g, lá Sen 10g. Sắc uống ngày 1thang. Uống 3-5 ngày.
DS. Đặng Văn Nam