Cây Sau sau còn có tên Sau trắng, Phong hương, Bạch giao hương, Cây thau, Cổ yếm.
Tên khoa học: Liquidambar formosana Hance., họ Sau sau (HAMAMELIDACEAE). Cây Sau sau có ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc là quả (Lộ lộ thông), lá (Phong hương diệp), rễ (Phong hương căn), nhựa (Phong hương chi). Ngọn lá non được dùng làm thực phẩm.
Lá Sau sau chứa nhiều tanin, các tanin thay đổi theo mùa (telimagrandin II có vào đầu mùa xuân còn casuarinin và pedunuculagin có vào mùa thu), các tanin C. glucosidic và oligomeric, chất hertellin tác dụng ức chế khối u. Quả chứa acid liquidamric và acid liquidamric lacton thuộc nhóm triterpen; acid beturonic có tác dụng bảo vệ tế bào gan. Nhựa chứa tinh dầu.
Quả (Lộ lộ thông) có vị đắng, tính bình, có mùi thơm; tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh; chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, tiểu khó, mề đay, viêm da, chàm. Lá (Phong hương diệp) có vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết; chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam; dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema. Nhựa (Phong hương chi) có vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau; trị ho có đờm, kinh giản, nôn ra máu, chảy máu cam. Rễ Sau sau vị đắng tính ấm; tác dụng khứ thấp, chỉ thống; chữa thấp khớp, đau răng.
Một số bài thuốc có Sau sau:
Chữa sâu răng, đau răng: nhựa cây Sau sau đốt cháy, phần còn lại tán nhỏ, bôi vào chỗ đau.
Chữa nổi mẩn, mề đay, lở ngứa: lá hoặc vỏ cây Sau sau nấu lấy nước lau rửa hoặc tắm.
Chữa mụn nhọt, đòn đánh đau nhức, phong thấp sưng đau: nhựa Sau sau 40g, Nhựa thông 40g, Sáp ong 10g, Dầu vừng 10g. Tất cả đun cho tan, đánh đều cho loãng, để nguội phết lên giấy, dán vào chỗ đau.
Chữa phong thấp, lưng gối đau, chân tay co quắp, toàn thân tê buốt: Lộ lộ thông 20g, Tùng tiết 20g. Sắc uống. Chú ý không dùng cho phụ nữ có thai.
TS. Nguyễn Đức Quang