Từ xa xưa ở Tây Ban Nha đã có câu thành ngữ nêu bật tầm quan tọng của cây Ôliu: “Dầu Ôliu tống cổ tất cả bệnh tật”.
Tên khoa học là Olea Europeae, ôliu là cây gỗ thuộc họ Nhài-OLEACEAE, cao 10-25m, sống hàng trăm năm, lá mọc đối hình bầu dục, mặt lá bóng, xanh thẫm. Hoa cánh rời, nhỏ, màu trắng xanh, quả mọng hình bầu dục dài, khi chín màu xanh đen. Trồng 5-6 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Cây cần có giá rét và không khí khô ráo để ra hoa kết quả. Cây Ôliu trồng nhiều ở các nước ven Địa trung hải trên đất đá sỏi và khô ráo. Cây còn được trồng nhiều ở Trung Mỹ, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc. Nước ta đã nhập cây Ôliu về trồng nhưng chưa nhân rộng ra được.
Tiến sĩ Schneider đã tổng kết nghiên cứu, áp dụng cây Ôliu làm thuốc chữa bệnh của các nhà khoa học thế giới và bản thân (Des plantes à votre santé – France.). Ôliu không chỉ cho ta dầu ăn vào loại quý nhất mà còn cung cấp cho con người nhiều vị thuốc quý. Trong quả tươi có 25 – 36% dầu, trong quả khô có đến 57% dầu. Quả chín tươi có vị chát, hơi chua và nhạt. Ngoài dầu ra, trong quả tươi còn có 3% protit, 38% gluxit và 8% xellulô. Quả có tính kiềm, có 1000mg% Kali, 1000mg% Natri, 80mg% Ca, 2mg% Magie, 8mg% Sắt. Trong 100g ôliu có 190 đơn vị vitamin A. Muốn có dầu ôliu tốt, phải phơi sấy quả ở nhiệt độ không vượt quá 350C để tránh hoạt động lipaza của enzim oleasa và phải ép dầu ở nhiệt độ lạnh.
Dầu ôliu có giá trị dinh dưỡng, thực phẩm và dùng làm thuốc. Nó cung cấp cho cơ thể người những chất cần thiết mà không để lại những cặn mỡ vô ích. Người ta đã dùng dầu ôliu cùng các vị thuốc khác để chữa các bệnh gan, mật, tuần hoàn, dạ dầy - ruột, bệnh ngoài da và thận. Uống dầu ôliu sẽ gây nhuận tràng êm dịu nhưng rất hiệu quả (trường hợp nặng hơn, có thể thụt với 1/2 lít dầu). Có thể uống 100-200g dầu ôliu trong vài giờ khi bị đau bụng do bệnh sỏi,. Có thể thêm 0.3% Menthol để tránh nôn. Để tống khứ sỏi mật, từ lâu người ta đã làm như sau: trong 3 ngày, vào mỗi buổi sáng, uống 100-200g dầu ôliu lúc chưa ăn gì. Chú ý: không được dùng khi người bệnh đang viêm túi mật cấp. Việc điều trị lúc này phải do thầy thuốc quyết định và phải kết hợp với các thuốc khác.
Đưa vào cơ thể bằng ống thông 20ml dầu ôliu sẽ gây co túi mật rất mạnh. Do đó, có thể dùng trong xét nghiệm tia X túi mật. Dầu ôliu được dùng để sản xuất thuốc chống cảm mạo theo mùa vì dầu này có tính chống viêm và êm dịu đối với các màng nhầy. Ngoài dầu, người ta còn dùng lá sắc uống hay làm cồn thuốc để giảm huyết áp. Tác dụng của thuốc sắc sẽ cao hơn nhiều khi kết hợp lá ôliu với lá Tầm gửi dẹt và lá Ba gạc.
Các nhà dược học Pháp dùng lá cây ôliu để chữa bệnh huyết áp cao động mạch, các bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Họ cho rằng lá ôliu có hoạt tính vì có chứa chất oleuropeosit làm giảm huyết áp và tác động lên toàn bộ các rối loạn của huyết áp cao động mạch như nhức đầu, chóng mặt, ù tai và gây lợi niệu. Cây ôliu có ích trong ngăn ngừa bệnh xơ cứng động mạch và động mạch vành, làm giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL). Ngoài ra nó điều tiết nhịp tim. Lá ôliu lại không độc. Ôliu còn có tác dụng giảm đường huyết nên được dùng làm chất bổ trợ trong điều trị bệnh tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Các nhà dược học Pháp đã sản xuất viên nhộng bột lá Ôliu nghiền lạnh (mỗi viên có 275mg bột lá Ôliu và 6% chất oleuropeosit). Người bệnh uống vào các bữa ăn sáng trưa và chiều, mỗi lần một viên (Guide pratique de la Phytotherapie – France).
Lá cây và dầu ôliu rất tốt cho sức khoẻ. Rất mong các nhà nông nghiệp, dược liệu học nghiên cứu phát triển cây ôliu ở những vùng thích hợp nước ta để cây này có thể trở thành cây thuốc quý phục vụ tốt sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Trịnh Thường Mại (CTQ số 91)