TINH HOA XANH

Cây cối xay...cùng loay hoay khám phá

Một cuộc kiếm tìm
Một lần đến nhà tôi, thấy mấy cây cối xay đứng ở góc vườn, L.Y Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội Dược liệu TP. Đà Nẵng liền đọc:

Phạm phòng thì có Cối xay

Buồn phiền mệt nhiệt trị hay vô cùng”.


Không biết có phải do cái “chứng lạ” kia không mà câu ca đã rạch một đường hằn trên bộ óc “chất đầy bã đậu với bí ngô” của tôi, khiến tôi không thể không chú ý “trên mức bình thường” đến cái cây thuốc vốn mọc hoang cùng nơi chi xứ, từ bờ bãi, mé vườn, đến vệ đường, ngõ xóm.  


Tìm trong 499 vị thuốc nam ở quyển đầu bộ Nam dược thần hiệu của Thiền sư Tuệ Tĩnh cùng với trọn bộ Lĩnh Nam bản thảo của Hải Thượng Lãn Ông và nhiều tài liệu đông dược kinh điển đều không thấy cây Cối xay. Lật sang mấy quyển sách dược liệu như /1/ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (GSTS.Đỗ Tất Lợi , nxb KHKT in lần thứ 7, 1995), /2/ Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi, nxb Y học, 1999) , may thay, đều có mô tả giới thiệu, nhưng tương đối … sơ sài, nhất là cái… “chứng kia” chẳng thấy ở đâu đá động đến. Lục tung hơn 300 số báo Thuốc & Sức khoẻ tích cóp mười mấy năm trời, vốn có nhiều bài viết về các cây thuốc, nhưng về cây cối xay chỉ có … một mẩu cỏn con trả lời thư bạn đọc ở số 132, tr.34. Vào tìm kiếm ở mạng  internet tiếng Việt, tình hình chẳng khá hơn. Vào mạng tiếng Hoa với từ khóa “ - ma bàn thảo” thì tư liệu nhiều vô thiên lủng, nhưng lọc hết những rác cùng rơm thì phần cốt lõi còn lại cũng chỉ còn hơn một trang như tr.2664 trong bộ /3/ Trung dược đại từ điển (Thượng Hải KHKT xuất bản xã - 1985) mà Tạp chí CTQ đã tặng tôi một bản sao vào dịp dự Hội thảo về Dược liệu trong thực phẩm chức năng và thuốc YHCT tại Hà Nội vào cuối năm 2006.
Tức mình vì tình trạng nghèo nàn của tư liệu, tôi hạ quyết tâm tự thâu thập tổng hợp cùng vài chiêm nghiệm quan sát để viết nên một bài báo thật “hoành tráng”, thật “ấn tượng” về cây cối xay. Tất nhiên, đó mới là ý đồ của người viết, còn thực tế thế nào thì bạn đọc … Hãy đợi đấy!

Từ cái tên… nhầm
Học theo đức Khổng tử, tôi xin bắt đầu bằng thuyết … chính danh, để bàn về cái tên cây Cối xay. Nói chung, trừ vài vùng cao gọi theo tiếng dân tộc và đôi nơi gọi là dằng xay (có khi viết giằng xay), còn lại từ Bắc đến Nam đồng bào ta đều nhất trí gọi loại cây này là cây Cối xay vì có quả giống hệt cái thớt trên của cối xay lúa ngày xưa (bạn đọc nào chưa thấy cái cối xay thì xin mời đến Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội để xem). Cả người Trung Hoa, có lẽ có cùng kiểu tư duy nông nghiệp trồng lúa nước như ta nên cũng gọi cây cối xay là … cây cối xay, tất nhiên theo ngôn ngữ của họ, tức là ma bàn thảo (ma là cái cối đá - theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì phải đọc âm má mới đúng nghĩa này, bàn là mâm hay thớt, còn thảo là cây vậy). Về cái tên ma bàn thảo, trong một bộ sách dược liệu nổi tiếng của Việt Nam, chữ Hán viết kèm rõ ràng là nhưng tác giả trong một tích tắc “bé cái nhầm” đã hạ bút phiên âm là ma mãnh thảo (do chữ bàn na ná chữ mãnh chăng?). Nhầm lẫn là chuyện thường tình, “trí giả thiên lự tất hữu nhất thất” mà. Nhưng điều đáng nói ở đây là từ quyển sách cái này, một số sách con và rất nhiều bài báo đã bị lây truyền cái nhầm ma mãnh. Rất mong một ngày tái bản gần đây, tác giả hoặc nhà xuất bản sẽ lượm hạt sạn tồn tại ba bốn mươi năm nay ra khỏi bộ sách quý đồ sộ đã in đi in lại mười mấy lần kia.
Nói về tên của cây Cối xay đối với một đất nước rộng lớn như Trung Hoa thì còn có hàng chục cái tên khác không có gì lạ. 
Cũng may là các tài liệu dược liệu học ngày nay đều thống nhất ghi kèm tên khoa học của cây cối xay là  Abutilon indicum(L.) Sweet., thuộc họ Bông - MALVACEAE nên tránh được sự nhầm lẫn do sự rối rắm của các tên địa phương.

Nhận diện và thưởng thức
Để giúp bạn nhận dạng cây cối xay, xin đọc GS.Đỗ Tất Lợi /1/ mô tả như sau: “Cây nhỏ mọc thành bụi, cao chừng 1-1,5m. Toàn thân và các bộ phận của cây đều mang lông măng. Lá mềm, hình tim, đầu nhọn dài chừng 10cm. Hoa mọc ở kẽ lá, đơn độc, màu vàng; cuống hoa dài bằng cuống lá. Đài 5 răng không có tiểu đài. Nhị nhiều. Nhụy gồm tới 20 lá noãn. Toàn bộ (quả) trông giống cái bánh xe hay cái cối xay. Mỗi lá noãn chứa tới 3 hạt, nhẵn, màu đen nhạt, hình thận”. Bổ sung chi tiết từ /2/ cho biết cây sống hàng năm hay lâu năm, lá mọc so le, mép khía răng. Riêng người viết bài này muốn cùng bạn đọc không chỉ nhận diện mà còn khám phá thưởng thức cái đẹp của những bông hoa cối xay nữa. Đừng ngại cái nắng trưa gay gắt của mùa cây ra hoa quả (tháng 2-6), vào tầm 1 giờ chiều, tìm đến một bụi cây cối xay nào đó, nhất là đi cùng với chiếc máy ảnh trong tay và đang thời kỳ tập sự làm “phó nháy” như tôi càng tốt, tôi cam đoan bạn có thể đứng hàng giờ để ngắm nhìn không biết chán vẻ đẹp của loài hoa ẩn dật mà không kém đài các này, từ lúc còn là chiếc nụ e ấp, rồi từng cánh he hé mở ra hàm tiếu, rồi mãn khai năm cánh vàng tươi không thua kém sắc mai ngày Tết, đến lúc tắt nắng cánh hoa không rụng đi mà thu cuộn lại như một nụ hoa hồng vàng nhỏ bé tươi xinh. Đến sáng hôm sau, có dịp trở lại bạn vẫn thấy nụ hồng ấy còn chúm chím cười, chờ ngón tay bạn khẽ chạm hay một cơn gió “vuốt ve” lần cuối mới chịu lìa đài hoa trút chút hơi ấm sót lại cho một quả non vừa mới nhú đêm qua. 
Bạn đọc yên tâm, tôi không cố ý nhẩn nha để dẫn bạn lạc qua khu vườn khác đâu. Kỳ thực, có dừng lại hơi lâu là vì tôi muốn giới thiệu một cái tên rất ấn tượng của cây cối xay, đó là Kim hoa thảo - cây hoa vàng đấy. Vàng là vàng bạc, vàng kim, chứ không phải màu vàng đâu. Phải là thuốc quý trong vườn dược liệu người ta mới gọi bằng cái tên ấy chứ, phải không bạn?
(Còn nữa)

Phan Công Tuấn (CTQ số 89)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""