Tôi nghe lưu truyền từ lâu, trong dân gian ở vùng Tam Tân (3 xã Tân Thành, Tân Hải, Tân Thuận của huyện Hàm Tân và huyện Hàm Thuận Nam) có cây Thầy thím chữa trị phong thấp rất hay. Năm 1985, tôi liên hệ với anh Hai Chùa - lương y chuyên sưu tầm thuốc Nam ở vùng núi Tà Cú - và được anh giới thiệu cây thuốc này cũng như kinh nghiệm sử dụng của dân gian. Tôi cũng nhờ anh tìm giúp cho một ít để dùng thử.
Thầy thím là ông bà Lê Trọng Xá, một nhà nho gốc ở Quảng Ngãi, do chống lại nhà Nguyễn bất thành đã trốn vào vùng Tân Hải, huyện Hàm Tân để sinh sống và làm thuốc Nam cứu chữa cho bà con. Năm 1821, khi ông bà mất, dân chúng lập Dinh thờ. Dinh đã được công nhận di tích văn hóa lịch sử năm 1996. Một số cây thuốc Nam ông bà thường dùng lúc sinh thời đều được gọi chung là cây Thầy thím như: Củ Bạt khế (củ Kim cang); cây Nhân trần Nam; trái Chi tử; vỏ cây Núc nác... Các cây này có nhiều tại địa phương, đặc biệt là cây có trái giống dương vật của trẻ em (dương đầu) mà nhân dân gọi là cây Thầy thím hay cây Cặt lỏ trị đau nhức, phong thấp. Hiện nay khi nói đến cây Thầy thím, người ta chỉ nghĩ đến cây này. Cây rất chịu hạn, mọc thành bụi rải rác ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận.
Khi chúng tôi làm “Quy trình sản xuất bài thuốc cao phong thấp” trong đó có cây Thầy thím thì không biết tên khoa học là gì? Độc tính ra sao? Có ai sử dụng làm thuốc chưa?... Tra dược điển thì không thấy, chúng tôi liền liên hệ với L/y Nguyễn Đức Nghĩa ở Tp Hồ Chí Minh nhờ giúp đỡ. Ngày 24/4/2005, L/y Nghĩa có mời TS. Võ Văn Chi ra huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận để khảo sát lấy mẫu cây Thầy thím. Tiến sĩ Võ Văn Chi đã tra cứu và xác nhận: Cây Thầy thím có tên khoa học là Olax obtusa Blume, họ Dương đầu tù OLACACEAE. Cây đã được Linné đặt tên năm 1753. Trong cuốn “Cây cỏ miền Nam” mục 1874 của GS. Phạm Hoàng Hộ và Nguyễn Văn Dương do Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục ấn hành năm 1960 tại Sài Gòn có ghi: Cây Olax obtusa Blume, họ Dương đầu tù (lá có đầu tù) là loại cây bụi, nhánh xà, lúc non có lông. Lá song dính, dai, có lông mịn ở mặt dưới. Gié, hoa trắng, 3 tiểu nhuỵ thụ, 5 tiểu nhụy lép. Phi quả có đài đồng trưởng mập, bao gần đến đầu trái. Có từ Châu Đốc đến Bà Rịa, (trên thế giới Olax có 5 loài, ở Việt Nam có 3 loài. ở Bình Thuận, Ninh Thuận thuộc chi Olax obtusa Blume).
Bài thuốc trị viêm khớp, viêm cơ, gai cột sống
Chúng tôi thường dùng vị Thầy thím kết hợp cùng một số vị thuốc khác để trị viêm cơ, viêm khớp, gai cột sống, thiếu máu, mệt mỏi, thấy có kết quả khả quan.
Bài thuốc: Đảng sâm 15g, Đương quy 10g, Kê huyết đằng 15g, Đỗ Trọng 10g, Lộc giác sương 5g, Hoàng kỳ 15g, Thầy thím 20g, Dây gấm 15g, Thiên niên kiện 10g, Trái nhàu khô 15g. Nếu có suy nhược, cao huyết áp, viêm loét dạ dày... thì tùy chứng mà gia giảm. Ngày dùng 1 thang. Nước thứ nhất đổ 600ml nước, sắc còn 200ml. Nước thứ hai cũng sắc như nước thứ nhất. Sau đó trộn đều hai nước lại rồi chia uống trong ngày. Người trẻ, bệnh còn nhẹ chỉ dùng vài thang đã có kết quả. Người bị loãng xương, gai cột sống kèm bệnh mạn tính, già yếu thì có thể dùng lâu hơn mới có kết quả.
Trần Sỹ (CTQ số 71)