Mai mực là vị thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền, có tác dụng chỉ huyết, giảm đau, làm se, chống loét, chữa được nhiều bệnh thông thường, đặc biệt là viêm loét dạ dày.
Cách chế biến Mai mực để làm thuốc rất đơn giản: Lấy Mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô. Dược liệu Mai mực nguyên bản có hình bầu dục dài, dẹt, ở giữa dày, mép mỏng. Mặt lưng màu trắng hoặc ngà, lấm tấm những nốt nhỏ chi chít, có một lớp màng cứng giòn. Mặt bụng màu trắng đôi khi phủ một lớp màng mỏng trong suốt màu vàng, có nhiều vân.
Để có Mai mực có phẩm chất tốt nhất nên dùng những mai dày, màu trắng như phấn, không gãy vỡ. Loại vàng hoặc thâm đen là kém phẩm chất. Khi dùng, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài mai, cắt thành miếng nhỏ hoặc tán bột, rây mịn.
Bài thuốc trị viêm loét dạ dày:
Để chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo: Dùng bột Mai mực 85%, bột Bối mẫu 15%, trộn đều. Mỗi lần uống 4g với nước ấm trước bữa ăn.
Hoặc: Mai mực 20g, Cam thảo 12g, Thổ bối mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn khoảng nửa giờ.
- Bột mịn Mai mực 4g, bột mịn Kê nội kim 4g, bột Gạo nếp rang thơm 2g, bột Cam thảo 0,2g. Tất cả trộn đều, gói thành 1 gói, mỗi ngày uống 2 gói sau bữa ăn. Có thể trộn bột thuốc này với một ít Mật ong (hai thìa cà phê) khuấy kỹ để uống hàng ngày. Bài thuốc này vừa chữa được bệnh đau dạ dày, vừa có tác dụng làm tăng hồng cầu.
Dược liệu Mai mực.
Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ y học cổ truyền và lương y có uy tín.
Thanh Xuân