Bạch truật là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.), thuộc họ Cúc (ASTERACEAE).
Bạch truật có các hợp chất sterol, tinh dầu, sinh tố A... Làm tăng sức bền, tăng cường khả năng thực bào, có tác dụng bảo vệ gan, lợi mật, chống loét, lợi niệu, chống u bướu, chống đông máu, làm giãn mạch hạ huyết, giảm nồng độ đường huyết.
Theo Đông y, Bạch truật vị ngọt đắng, tính ôn; vào kinh tỳ và vị. Có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, táo thấp, lợi thủy, chỉ hãn an thai. Trị chứng tỳ vị khí hư, chứng thủy thũng, đàm ẩm, khí hư tự hãn và an thai. Ngày dùng 6 - 12g. Dùng chữa táo thấp thì để sống, dùng để bổ tỳ thì phải sao tẩm.
Một số bài thuốc có Bạch truật
Thuốc an thai:
Bài 1 - Đương quy tán: Bạch truật 32g; Đương quy, Hoàng cầm, Bạch thược, Xuyên khung mỗi vị 64g. Các vị sấy khô, tán bột. Ngày uống 8 - 12g, uống với rượu loãng. Trị phụ nữ có thai mà huyết kém, thai nhiệt không yên.
Bài 2 - Thái sơn bàn thạch thang: Nhân sâm 5g, Đương quy 8g, Hoàng cầm 5g, Xuyên khung 4g, Thục địa 10g, Chích thảo 4g, Hoàng kỳ 15g, Tục đoạn 5g, Bạch truật 10g, Thược dược 6g, Sa nhân 4g, Nhu mễ 5g. Sắc uống. Công năng ích khí kiện tỳ, dưỡng huyết an thai.
Kiện tỳ, cầm tiêu chảy:
Bài 1 - Thang Lý trung: Đảng sâm 12g, Sinh khương 8g, Bạch truật 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng cho người tỳ hư thấp trệ, đại tiện lỏng, người mệt, kém ăn.
Bài 2 - Bột Sâm truật: Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh, Ý dĩ, Liên nhục, Nhục đậu khấu, Kha tử, Trần bì mỗi vị 12g; Sơn tra 8g, Thần khúc 8g, Mộc hương 4g, Sa nhân 4g, Cam thảo 4g. Sắc uống hoặc tán thành bột. Trị các chứng tỳ hư thấp trệ, đại tiện lỏng, người mệt, ăn uống không tiêu, bụng đầy hơi.
Kiện vị tiêu thực (khoẻ dạ dày, dễ tiêu hoá): Thang Chỉ Truật: Bạch truật 12g, Chỉ thực 6g. Sắc uống hoặc tán bột làm viên hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 - 3 lần, chiêu với nước cơm. Trị tỳ, vị đều hư nhược, tiêu hoá không tốt, không muốn ăn uống.
Cố biểu, chỉ hãn:
Bài 1: Bạch truật 12g, Phòng phong 12g, Mẫu lệ 24g. Sắc uống hoặc tán thành bột. Mỗi lần uống 12g, chiêu với nước. Trị chứng tỳ hư, tự ra mồ hôi, người mỏi mệt, hơi thở ngắn.
Bài 2: Bạch truật 12g, Hoàng kỳ 12g, Phù tiểu mạch 20g. Sắc uống. Trị chứng tim hồi hộp, lo âu, ra mồ hôi.
Lợi niệu tiêu thũng: Dùng trong trường hợp tỳ hư, thuỷ thấp không chuyển hoá được gây phù nề.
Bài 1 - Bột Toàn sinh Bạch truật: Bạch truật, Đại phúc bì, Gừng tươi, Ngũ gia bì, Địa cốt bì mỗi vị 12g; Phục linh bì 20g. Sắc uống. Trị phù nề toàn thân, phụ nữ có thai bị phù.
Bài 2 - Thang Linh Quế Truật Cam: Phục linh 12g, Quế chi 8g, Bạch truật 8g, Cam thảo 8g. Sắc uống. Trị các chứng tỳ hư, ho hen có đờm, tim đập nhanh, mắt mờ.
Kiêng kỵ: người mắc chứng âm hư hoả vượng lại táo kết không được dùng.
Trên thị trường có vị thuốc “Bạch truật nam” là thân rễ của cây Thổ tam thất hay Bạch truật nam (Gynura pseudochina DC.), thuộc họ Cúc (ASTERACEAE). Rễ củ để nguyên gọi là Thổ tam thất.
TS. Nguyễn Đức Quang