Sử dụng gia vị để nêm nếm hay tạo mùi hương cho món ăn không đơn giản muốn cho vào lúc nào cũng được mà phải căn thời gian đun nấu để nêm nếm cho hợp lý. Bởi có những loại gia vị đun lâu sẽ mất chất, thậm chí còn chuyển thành chất độc gây hại cho sức khỏe.
Muối:
Tùy món mà cho muối vào thức ăn trước hay trong khi nấu. Nếu cần thịt đậm đà, không bị giảm độ ngọt của thịt, nên cho muối trước. Ngược lại, khi nấu canh, cần vị ngọt từ xương thì nên nấu một lúc cho nước canh ngọt mới nêm muối. Với món xào, hãy cho muối vào dầu, khoảng một phút sau mới cho thực phẩm vào. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ đến 95% độc tố aflatoxin có trong muối.
Nước mắm:
Nước mắm có hương vị đặc biệt, vì thế không nên đun lâu. Với món canh thì cho nước mắm vào rồi bắc ra ngay. Với canh cua, nên nhấc canh ra khỏi bếp rồi mới nêm để bảo toàn chất đạm trong nước mắm.
Đường:
Khi cho đường vào các món rán hay nướng, món ăn rất dễ cháy, khét. Do đó, khi ướp, nên cho ít đường. Nếu muốn món ăn có vị ngọt hơn, hãy làm riêng phần nước xốt hoặc phết mật ong lên khi món ăn gần chín. Khi nấu món có đường, tránh để món ăn khô cạn, dễ bị dính đáy và cháy món ăn.
Hạt tiêu:
Nếu cho tiêu vào thức ăn trước khi nấu, tiêu dễ biến thành chất độc gây ung thư. Do đó, tốt nhất hãy rắc tiêu khi thức ăn đã chín.
Rượu trắng:
Một số món ăn, người ta hay cho rượu để khử mùi tanh và tạo hương thơm đặc biệt. Khi đun nấu thì không nên cho hết một lần rượu vào món ăn mà chỉ nên cho phân nửa, phần còn lại cho tiếp khi thức ăn gần chín mới. Thời gian thích hợp nhất để cho rượu phải căn cứ vào sự khác nhau của nguyên liệu. Ví dụ: cá kho, xào tôm, xào thịt nên cho rượu vào lúc thức ăn đã chín, các món hầm, lẩu, súp… nên cho rượu vào lúc đã sôi chín.
Mỳ chính:
Với các món cần tẩm ướp (chiên/rán, nướng, xào, kho...), nên nêm gia vị 2 lần. Lần 1: tẩm ướp vào nguyên liệu trước khi nấu để làm tăng vị tự nhiên của nguyên liệu. Lần 2: nêm nếm trước khi hoàn thiện món ăn để tổng hòa hương vị của món ăn. Với các món có nước (canh, súp, hầm...), nên nêm gia vị lúc gần bắc ra để giúp điều chỉnh vị tổng hòa một cách chính xác nhất, tránh hiện tượng nước sôi bốc hơi nhiều làm thay đổi vị của món ăn..
Dấm:
Dấm không những có thể khử tanh, khử béo, tăng mùi thơm mà còn tránh được sự pha lẫn vitamin trong nguyên liệu khi gặp nhiệt độ cao và làm mềm cenlulo trong rau. Thời điểm thích hợp nhất cho dấm vào món ăn là lúc bắt đầu chế biến và lúc đã chế biến xong. Còn đối với món sườn xào chua ngọt… nên cho dấm vào khi thức ăn đã chín, vừa thơm hơn, vừa làm giảm vị ngấy.
Khi tráng trứng, cho hành vào lúc nào?
Theo thói quen thông thường, chúng ta đánh đều trứng với hành rồi mới tráng, nhưng như vậy trứng và hành có lúc sẽ bị chín không đều hoặc bên trong chưa chín mà bên ngoài đã chín, mùi thơm của hành không có dịp toả ra hết. Cách dùng đúng nhất là cho hành vào mỡ trước, khi hành toả mùi thơm mới cho trứng vào để hành và trứng đều có mùi thơm.
BS. Minh Nguyệt