Theo y học cổ truyền, bệnh gút gọi là thống phong, thuộc phạm trù chứng tý trong Ðông y. Nguyên nhân bên ngoài là do khí phong, hàn, thử , thấp xâm nhập vào cơ thể làm khí trệ, huyết ứ, đàm kết tụ thành cục quanh khớp từ các khớp ngón tay chân rồi chuyển lên khớp gối. Nguyên nhân bên trong là do ăn uống nhiều thịt, chất béo bổ, lao động không điều độ, ít rèn luyện thể lực.
Phép trị chủ yếu là khu phong tán hàn trừ thấp. Sau đây là một số món ăn - bài thuốc có tác dụng bổ dưỡng, giảm đau, người bệnh gút nên dùng.
Lòng gà hầm ba kích: lòng gà 1 bộ, ba kích nhục 30g, gừng, muối, tiêu bột, hành lá, mỗi thứ một ít. Ba kích rửa sạch cắt mỏng để ráo. Hành rửa sạch, cọng hành trắng giã nhuyễn, lá hành cắt khúc để sẵn. Gừng cạo vỏ sạch, cắt từng đoạn vừa ăn, để ráo. Đem bộ lòng đã làm sạch ướp với cọng hành trắng đã giã nhuyễn, thêm muối, tiêu rồi trộn với nhau cho thấm, cho vào nồi cùng ba kích và ít nước lạnh để hầm. Nấu nước thật sôi rồi vặn nhỏ lửa hầm riu riu độ 1 giờ, nêm tí muối cho vừa ăn rồi thả gừng cắt sợi và rắc tiêu cho thơm là dùng được. Ăn liên tục 7-10 ngày. Tác dụng: ích khí, bổ thận, bổ dưỡng cơ thể, trị thận dương hư, khí huyết kém, gối đau rát, lưng nhức mỏi.
Giò lợn hầm rễ tỳ bà: giò (móng) lợn 2 cái, rễ tỳ bà 250g, đường, muối, gừng, hành lá, tiêu bột, dầu ăn, rượu mỗi thứ một ít. Rửa rễ tì bà rửa sạch, cho vào nồi đất, đổ 700ml nước sắc thuốc còn 150ml nước để riêng. Cho dầu vào nồi, thả cọng hành trắng phi thơm, bỏ gừng cắt sợi vào xào chung sau cho tiếp giò lợn xào cho đều đến khi giò lợn săn lại thì cho một ít nước và muối, đường, xào tiếp cho thấm, đổ nước thuốc đã sắc vào nấu chung, thêm ít rượu, đun sôi thì hạ nhỏ lửa, đậy nắp kín, hầm riu riu khoảng 1 giờ, thả hành lá cắt khúc, rắc tiêu bột là được. Tác dụng: bồi bổ cơ thể, khử phong trừ thấp, ích khí, bổ huyết, trị đau nhức xương các khớp, thống phong.
Canh ba ba, đỗ trọng: thịt ba ba 100g, đỗ trọng 15g, muối hột một ít. Đỗ trọng rửa sạch cho vào nồi với 800ml nước, đun còn 300ml nước thuốc. Ba ba mổ bỏ ruột, rửa sạch cho vào nước đỗ trọng, nấu đến chín thịt, cho gia vị là ăn được. Ăn kèm trong bữa ăn. Tác dụng: bổ can thận, cường tráng lưng, gối. Trị bệnh đầu gối đau mỏi do gan thận đều hư.
Canh thịt lợn, rong biển: thịt lợn nạc, rong biển 50g, giá 100g, hành 10g, gừng 3g, muối một ít. Cho 1 lít nước vào nồi, đun sôi, cho thịt đã băm nhuyễn vào, khuấy cho thịt rã đều rồi cho các thứ kia vào, đun nước sôi 30 phút, nêm mắm muối vừa ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần. Tác dụng: khử phong, trừ thấp, bổ thận hư, đau đầu gối, xương khớp.
Chè hoạt huyết bổ máu: xích tiểu đậu 250g, táo tàu 200g, đường đỏ 150g. Đậu rửa sạch cho vào nồi, nước vừa đủ, nấu gần chín thì cho đường, táo tàu vào đun tiếp tới chín là được. Tác dụng: trị lưng gối đau mỏi, thống phong ở người già.
Ngoài ra người bệnh nên sử dụng một số loại rau củ làm thức ăn hằng ngày:
- Rán khoai tây với dầu thực vật, trộn xì dầu, muối, gia vị ăn thay cơm.
- Rau cải trắng xào dầu thực vật ăn.
- Rau cần (cả rễ) 100g thái nhỏ, gạo tẻ 30g, nước 700ml nấu thành cháo.
- Trứng chim cút 5 quả, hạt sen 30g nấu ăn.
- Xa tiền thảo tươi 100g sắc uống.
Người bệnh nên uống ngày 2 lít nước, ăn trứng, sữa, ngũ cốc, rau quả. Kiêng ăn thịt, cá, tôm, cua, ốc, ớt, rượu, bia, cà phê.
Theo SKDS