TINH HOA XANH

Dược thiện phòng trị viêm đại tràng mạn tính

Dược thiện phòng trị viêm đại tràng mạn tính



Viêm đại tràng mạn tính là một trong những bệnh lý đường tiêu hoá thường gặp. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống và hiệu suất công tác. Để phòng chống căn bệnh này, y học hiện đại và y học cổ truyền đều lấy phương châm điều trị toàn diện làm nguyên tắc cơ bản, trong đó việc thực hiện một chế độ ăn hợp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với y học cổ truyền, ngoài vấn đề kiêng kỵ trong ẩm thực, người xưa còn sử dụng các món ăn cháo thuốc (dược thiện) để phòng chống viêm đại tràng mạn tính khá độc đáo. Bài viết này xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình theo từng thể bệnh cụ thể để bạn đọc tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Với thể Can khí thừa Tỳ

• Chứng trạng: Bụng đầy trướng và đau, khi đau thì muốn đi ngoài, lượng phân không nhiều nhưng khó đi, sau khi đại tiện thì đỡ đau, ợ hơi nhiều, bụng óc ách, chán ăn, chậm tiêu, có thể táo bón, thay đổi tính nết, hay cáu giận, mỗi khi căng thẳng thì bệnh lại tái phát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền.
• Dược thiện:
Bài 1: Cá hoa vàng (Pseudosciaena crocea) còn gọi là cá Đù vàng 1 con nặng chừng 250g, Trần bì 20g, Hành 4 củ, Gừng tươi 4 lát, gia vị vừa đủ. Cá hoa vàng làm sạch rồi đem kho nhừ với Trần bì, Hành củ, Gừng tươi và một chút rượu vang, dùng làm thức ăn hàng ngày. 
Công dụng: Sơ can lý khí, kiện tỳ chỉ tả.

Bài 2: Phật thủ 15g, Hoa nhài 10g, Trứng gà 2 quả. Trứng gà luộc chín bóc vỏ rồi cho vào nồi nấu cùng với Phật thủ thái chỉ và Hoa nhài trong 15 phút, chế thêm gia vị, ăn nóng trong ngày. 
Công dụng: Sơ can lý khí, tỉnh tỳ cố tràng.

Bài 3: Gạo tẻ 60g, Biển đậu (Bạch biển đậu thì càng tốt) 60g, Hoa mai 3 – 5g. Gạo tẻ và Biển đậu đãi sạch đem ninh thành cháo, khi chín cho Hoa mai vào quấy đều một lát là được, ăn khi đói bụng. 
Công dụng: Sơ can lý khí, kiện tỳ khai vị, sáp tràng chỉ tả.

Bài 4: Quất bì 100g, Kê nội kim (màng trong mề gà) 20g. Hai thứ sấy khô, tán mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g với nước ấm.

Bài 5: Cá diếc 1 con, Gạo tẻ 50g. Cá diếc làm sạch, ninh lấy nước rồi cho gạo vào nấu thành cháo, khi được lại cho cá vào, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng ích khí kiện tỳ.

Với thể Thấp trọc khốn Tỳ
• Chứng trạng: Mệt mỏi, mình mẩy nặng nề, bụng đầy chướng và đau, hay có cảm giác lợm giọng, buồn nôn hoặc nôn, đi lỏng và có cảm giác tức nặng hậu môn, ăn kém chậm tiêu, hễ ăn thức ăn lạ hoặc tanh lạnh là đau bụng, tiểu tiện không thông thoáng, lưỡi bè bệu, rêu lưỡi trắng dầy dính, mạch hoãn hoặc nhu.
• Dược thiện:
Bài 1: Xa tiền tử sao 10g, Hồng trà 3g. Hai thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. 
Công dụng: kiện tỳ lợi thuỷ, hoá thấp chỉ tả.

Bài 2: Gạo tẻ 100g đem sao cháy, sau đó nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, ăn nóng. 
Công dụng: Kiện tỳ trừ thấp.

Bài 3: ý dĩ nhân 30g, Gạo tẻ 60g, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. 
Công dụng: Kiện tỳ trừ thấp.

Bài 4: Kiếm thực 25g, ý dĩ nhân 25g, hai thứ đem ngâm với rượu trắng 500ml, sau 15 ngày thì dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml. 
Công dụng kiện tỳ lợi thuỷ, chỉ tả.

Bài 5: Biển đậu 60g, Hoài sơn 60g, Gạo tẻ 50g. Ba thứ cho vào nồi ninh thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày hoặc dùng làm đồ điểm tâm hàng ngày. 
Công dụng:  kiện tỳ ích vị, chỉ tả.

Với thể tỳ vị hư nhược
• Chứng trạng: Mệt mỏi nhiều, gầy sút, sắc  mặt nhợt nhạt, ăn kém chậm tiêu, bụng đầy trướng, đại tiện khi nát khi lỏng, sống phân, hễ ăn một chút đồ ăn chiên xào, tanh lạnh khó tiêu là đi lỏng nhiều lần, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược.
•  Dược thiện:
Bài 1: Hạt dẻ 30g, Hoài sơn 15g, Đại táo 5 quả. Ba thứ đem ninh nhừ thành cháo, dùng làm đồ điểm tâm hàng sáng. 
Công dụng: Kiện tỳ ích vị.

Bài 2: Thịt ngỗng 750g, Gừng khô 6g, Ngô thù du 3g, Nhục đậu khấu    3g, Nhục quế 2g, Đinh hương 1g. Các vị thuốc tán vụn, thịt ngỗng rửa sạch, thái miếng, ướp với bột thuốc và gia vị vừa đủ trong 2 giờ, sau đó đem xào qua rồi chế thêm nước, hầm nhừ, ăn nóng. 
Công dụng: Ôn bổ tỳ thận, cố sáp chỉ tả.

Bài 3: Đẳng sâm 25g, Gạo tẻ sao vàng cháy 50g, hai thứ đem ninh thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. 
Công dụng: Ôn bổ tỳ thận, cố sáp chỉ tả.

Bài 4: Thịt dê 1.000g, Thảo quả 5g, Gừng tươi 10g, bột Đại mạch 1.000g, bột Đậu 1.000g. Bột Đại mạch và bột Đậu nhào với nước rồi chế thành dạng mỳ sợi. Thịt dê rửa sạch, thái miếng rồi đem ninh với Thảo quả và Gừng tươi, khi nhừ cho mỳ vào nấu chín, chế thêm gia vị, chia ăn nhiều lần. 
Công dụng: Ôn trung tán hàn.

Bài 5: Bạch truật 30g, Gừng khô 6g, Hồng táo 250g, bột Kê nội kim 15g, bột Mì 500g. Bạch truật và Gừng khô cho vào túi vải, buộc kín miệng rồi đem sắc với Hồng táo trong 60 phút, sau đó bỏ bã thuốc lấy nước, Hồng táo bỏ vỏ và hạt, nghiền nhuyễn rồi nhào với bột Kê nội kim và bột Mì, nặn thành bánh, nướng chín, dùng làm đồ điểm tâm hàng ngày. 
Công dụng: Kiện tỳ ôn trung.

Với thể tỳ thận dương hư
• Chứng trạng: Thể trạng gầy yếu, mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng nhợt, ăn kém, hay có cảm giác lạnh bụng, thích chườm nóng, bụng đau âm ỉ, sáng sớm tỉnh giấc là phải đi ngoài ngay (ngũ canh tả), sau khi đi thì đỡ đau bụng, lưng đau gối mỏi, miệng nhạt, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế.
• Dược thiện:
Bài 1: Hoài sơn 100g, thịt Dê 100g, Gạo tẻ 250g. Hoài sơn tán vụn, thịt Dê thái miếng, hai thứ đem ninh với gạo thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. 
Công dụng: Ôn bổ tỳ thận, sáp tràng chỉ tả.

Bài 2: Can lệ chi nhục (Cùi vải khô) 50g, Hoài sơn 10g, Liên nhục 10g, Gạo tẻ 100g. Tất cả đem ninh thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. 
Công dụng: Kiện tỳ bổ thận.

Bài 3: Khiếm thực 30g, Hoài sơn 30g, Gạo nếp 50g, Đường trắng lượng vừa đủ. Đem Khiếm thực, Hoài sơn và Gạo nếp ninh thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày. 
Công dụng: Bổ tỳ ích khí, cố thận chi tả.

Bài 4: Bầu dục lợn hoặc dê 1 đôi, Phá cố chỉ 10g, Nhục đậu khấu 10g, Hạt tiêu 10g, Hồi hương tám cánh 10g. Bồ dục làm sạch, thái miếng rồi đem hầm với các vị thuốc trong 30 phút, chế thêm gia vị, ăn nóng. 
Công dụng: Bổ thận tráng dương, cố tràng chỉ tả.

Hoàng Khánh Toàn (CTQ số 83)

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""