Ở người có tuổi và cao tuổi, nguyên nhân phát sinh bệnh trĩ có những điểm riêng biệt. Cùng với quá trình thoái hóa chung của cơ thể, cấu trúc giải phẫu và chức năng sinh lý của hệ thống tiêu hóa cũng dần dần lão suy.
Chức năng co bóp, bài tiết và hấp thu của ruột yếu đi khiến cho tình trạng rối loạn đại tiện rất dễ phát sinh; trương lực cơ trơn đại tràng, cơ thắt hậu môn và dây chằng bị suy giảm, hệ thống tĩnh mạch hậu môn trực tràng bị suy yếu... Điều đó làm cho người già rất dễ mắc bệnh trĩ. Trị liệu bệnh trĩ ở người cao tuổi thường khó khăn vì sức đề kháng kém do mắc nhiều bệnh mạn tính.
Trên quan điểm “trị vị bệnh” (chữa bệnh từ khi bệnh chưa phát), y học cổ truyền đã tích luỹ và vận dụng rất nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa bệnh trĩ với tính chất toàn diện, đơn giản và có hiệu quả. Có thể trình bày một số phương pháp cơ bản như sau:
Chế độ ăn uống
Cổ nhân có câu “bệnh tòng khẩu nhập” (bệnh theo miệng mà vào), điều đó rất đúng đối với bệnh trĩ. Bởi vậy, để dự phòng căn bệnh này cần hết sức chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống. Trước hết, phải điều độ và đúng giờ giấc, không ăn quá no và cũng không để quá đói. Điều này giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động được bình thường, đúng quy luật và có hiệu quả, đặc biệt đối với người già.
Thứ hai, thức ăn cần đảm bảo đủ về lượng, tốt về chất nhưng phải dễ tiêu và có chất xơ, chú ý uống đủ nước và ăn nhiều rau quả tươi, trọng dụng các thực phẩm có tính nhu nhuận nhưng ôn ấm như vừng, đậu đen, đậu tương, mộc nhĩ... Mỗi tuần nên ăn một vài bữa cơm gạo lức muối vừng. Điều này giúp cho người già phòng chống hữu hiệu chứng táo bón, một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ.
Cuối cùng, phải hết sức giữ gìn vệ sinh ăn uống để phòng tránh các bệnh lý dễ tạo điều kiện phát sinh bệnh trĩ như kiết lỵ, viêm ruột do nấm hoặc do vi khuẩn, rối loạn tiêu hóa... Không nên ăn quá nhiều thức ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu, rượu mạnh... dễ gây táo bón hoặc các thức ăn tính quá lạnh như cua, ốc, thịt trâu, dưa hấu... dễ gây tiêu chảy.
Chế độ sinh hoạt
Hết sức tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ. Nên dùng hố xí bệt, tăng cường hoạt động thể lực, đặc biệt là vận động cơ bắp. Tùy theo sở thích của mỗi người mà lựa chọn một hay hai môn thể thao yêu thích, kiên trì tập luyện trong một thời gian dài. Bơi lội là một trong những môn thể thao rất hữu ích cho việc phòng ngừa bệnh trĩ, ngoài ra chạy chậm và đi bộ đều có tác dụng phòng ngừa ở các mức độ khác nhau. Nên tập thói quen đi đại tiện đúng giờ, tốt nhất mỗi ngày nên đi một lần. Hạn chế sinh hoạt tình dục khi có các biểu hiện của bệnh trĩ. Hết sức chú ý vệ sinh tầng sinh môn, nhất là sau khi đại tiện. Mỗi ngày nên ngâm nước ấm vùng hậu môn chừng 15 - 20 phút. Không hút thuốc lá và uống rượu.
Món ăn bài thuốc phòng ngừa bệnh trĩ
Dùng nước sôi pha 60ml mật ong với 30ml dầu vừng uống thường xuyên vào buổi sáng.
Dùng 1.000g củ cải trắng, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt hòa thêm một chút mật ong, uống khi đói bụng.
Lấy 10 củ mã thầy, bóc vỏ rửa sạch, thái vụn rồi đem nấu với 200g rau muống, dùng làm canh ăn.
Dùng 500g khoai lang, rửa sạch, thái vụn rồi cho vào nồi ninh nhừ, cho thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày.
Mỗi ngày dùng 2 quả chuối tiêu, bóc bỏ vỏ, cho thêm đường rồi đem hầm cách thủy, ăn trong ngày.
Tang thầm (quả dâu chín) 30g đem nấu với 100g gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 50g, mã thầy 100g, đường trắng vừa đủ, tất cả đem nấu nhừ, chia ăn vài lần trong ngày.
Hoa hòe 12g, cúc hoa 12g, hai thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Biện pháp không dùng thuốc
Tập khí công: Có thể áp dụng các phương pháp như:
Đứng thẳng, khớp gối duỗi thẳng, đặt hai bàn tay ôm lấy khớp gối, đồng thời nhíu hậu môn co lên, giữ càng lâu càng tốt, mỗi ngày tập 2 lần;
Có thể nằm, ngồi hoặc đứng, dùng ý niệm để co thót hậu môn hoặc thả lỏng hậu môn. Khi hít vào thì co thót hậu môn, khi thở ra thì thả lỏng hậu mộn, mỗi ngày tập 2 lần, mỗi lần khoảng 20 lần;
Toàn thân thả lỏng, tưởng tượng có một khối khí nhỏ ở giữa bụng, đẩy khối khí này quay quanh rốn 36 vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi nhập vào đan điền. Làm liên tục 3 lần như vậy, chú ý giữ ý niệm ở đan điền khoảng 3 phút, thời gian mỗi lần tập khoảng 15 phút, mỗi ngày tập hai lần.
Day bấm huyệt: Hàng ngày day bấm huyệt túc tam lý và đại trường du, mỗi huyệt chừng 30 phút. Vị trí huyệt: vuốt tay từ cổ chân lên trên, khi vướng vào đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài chừng 1 khoát ngón tay trỏ, khi châm có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân, đó là huyệt túc tam lý; vòng tay ôm ngang thắt lưng, huyệt đại trường du ở ngang mào chậu, cách đường trục giữa cơ thể chừng 1,5 thốn.
BS. Khánh Mai