Theo y học cổ truyền (YHCT), bệnh phì đại tiền liệt tuyến hay còn gọi là tiền liệt tuyến tăng sinh thuộc phạm vi chứng “long bế” với các biểu hiện điển hình như tiểu tiện khó khăn, đi tiểu nhiều lần nhất là về đêm, tia nước tiểu yếu, thậm chí có thể dẫn đến bí đái.
Về điều trị, ngoài các biện pháp dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, tập luyện khí công dưỡng sinh, YHCT còn chú ý lựa chọn và phối hợp các loại thực phẩm và dược phẩm để chế biến thành các món ăn - bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị và dự phòng. Một số ví dụ điển hình dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này.
Bài 1:
Bầu dục lợn 1 quả khoảng 90g,
Sừng hươu 15g,
Ngưu tất 10g,
Thỏ ty tử 12g,
Sa tiền tử 15g.
Cách chế: Bầu dục lợn bổ đôi, loại bỏ màng mỡ, rửa thật sạch, thái miếng; Các vị thuốc khác cho vào túi vải, buộc kín miệng rồi đem sắc kỹ trong 2 giờ bằng lửa nhỏ. Tiếp đó bỏ Bầu dục lợn vào, đun thêm nửa giờ nữa là được. Chế đủ gia vị, ăn trong ngày.
Công dụng: ôn bổ thận dương, thông điều tiểu tiện. Dùng cho người bị phì đại tiền liệt tuyến thuộc thể thận dương bất túc biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi nhiều, sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, sắc mặt nhợt nhạt, tiểu tiện khó khăn, nước tiểu nhỏ giọt có lúc rỉ ra không tự chủ.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, Bầu dục lợn (còn gọi là trư thận hay trư yêu tử) vị mặn tính bình, có công dụng bổ thận, ích khí, làm khoẻ cột sống thường dùng cho những người bị các chứng đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương, di niệu, tai ù tai điếc, hay đổ mồ hôi... do thận dương hư nhược. Tuy nhiên, vì Bầu dục lợn có chứa nhiều cholesterol nên những người bị rối loạn lipit máu không nên dùng.
Bài 2:
Ếch 1 con 90g,
Tang phiêu tiêu (tổ bọ ngựa) 9g,
Sơn thù nhục 30g,
Ba kích thiên 9g,
Kỷ tử 15g.
Cách chế: ếch làm sạch, bỏ đầu, da và phủ tạng. Thái miếng; Các vị thuốc khác thì thái vụn. Tất cả đem hầm lửa nhỏ trong 3 giờ, rồi chế thêm gia vị, ăn trong ngày.
Công dụng: bổ thận khí, điều hoà tiết niệu. Dùng cho người bị phì đại tiền liệt lành tính thể thận khí bất túc biểu hiện bằng các triệu chứng như tiểu tiện khó khăn, mỗi bận phải đi nhiều lần mới hết, có cảm giác như mất sức, nước tiểu trong, miệng nhạt, ăn kém. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, ếch có công dụng bổ hư ích tinh, dưỡng phế tư thận thường được dùng cho những người suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, thiếu máu, sản phụ thiếu sữa... Bởi vậy, trong dân gian, ếch được gọi là “điền kê” (gà đồng). Tang phiêu tiêu, sơn thù và ba kích đều có tác dụng bổ thận sáp niệu, giúp cho việc bài tiết nước tiểu được dễ dàng, làm giảm số lần đi tiểu về đêm. Nếu không có Tang phiêu tiêu thì dùng Kim anh tử thay thế. Với những người có biến chứng viêm đường tiết niệu gây đái buốt, đái rắt, nước tiểu đỏ đục... thì không nên dùng bài này.
Bài 3:
Chim cút 1 con khoảng 120g,
Toả dương 18g,
Sơn thù nhục 30g,
Phụ tử chế 9g,
Bạch linh 30g.
Cách chế : Chim cút làm thịt, bỏ nội tạng, chặt miếng; Rửa sạch các vị thuốc. Tất cả đem hầm nhừ trong 3 giờ; Chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: ôn bổ thận dương thông điều tiểu tiện, dùng cho người bị phì đại tiền liệt tuyến thể thận dương bất túc (như bài 1).
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt chim cút vị mặn, tính bình, có công dụng bổ ích ngũ tạng, ích khí dưỡng huyết. Toả dương, Sơn thù nhục và Phụ tử chế có tác dụng ôn bổ thận dương, cố tinh sáp niệu. Các vị phối hợp với nhau giúp cho chức năng điều hoà tiểu tiện của tạng thận được phục hồi. Nếu không có Toả dương thì có thể thay thế bằng Nhục thung dung. Những trường hợp phì đại tiền liệt tuyến thuộc thể âm hư hoả vượng biểu hiện bằng các triệu chứng thể trạng gầy khô, nước tiểu đỏ hoặc vàng đậm, đại tiện táo hay có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng... không nên dùng bài này.
Bài 4:
Gà 1 con (nếu được gà trống lông trắng thì tốt nhất),
Thục địa 30g,
Tri mẫu 20g,
Ngưu tất 20g,
Hoàng bá 15g.
Cách chế: Gà làm thịt, bỏ lông và nội tạng; Thái vụn các vị thuốc rồi cho vào túi vải, buộc kín miệng nhét vào trong bụng gà. Tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: bổ thận âm, lợi tiểu tiện. Dùng cho những người bị phì đại tiền liệt tuyến thể thận âm khuy hư biểu hiện bằng các triệu chứng tiểu tiện khó khăn, nước tiểu vàng đỏ, đại tiện táo, môi khô miệng khát, hay vã mồ hôi về đêm...
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thì gà có công dụng bổ ngũ tạng, kiện tỳ vị, làm mạnh gân xương; Thục địa bổ âm; Tri mẫu và Hoàng bá thanh hư nhiệt; Ngưu tất trừ thấp, lợi tiểu tiện. Các vị thuốc phối hợp với nhau tạo nên công dụng bổ thận âm, làm thông thoáng đường tiểu tiện, giúp cho người bị phì đại tiên liệt tuyến cải thiện tình trạng bệnh lý khá tốt.
Bài 5:
Vịt đầu xanh 1 con,
Đẳng sâm 30g,
Hoàng kỳ 30g,
Thăng ma 10g,
Sài hồ 10g.
Cách chế: vịt làm thịt, bỏ phủ tạng; Thái vụn các vị thuốc đựng trong túi vải buộc kín miệng rồi cho vào trong bụng vịt. Tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.
Công dụng: bổ trung ích khí, dùng cho người bị phì đại tiền liệt tuyến thể trung khí bất túc biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi nhiều, có cảm giác khó thở, ngại nói, chán ăn, hay rối loạn tiêu hoá, đại tiện lỏng nát, tiểu tiện khó khăn, tia nước tiểu yếu, có thể kèm theo tình trạng trĩ sa không tự co lên được...
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt vịt có công dụng bổ hư, dưỡng vị, lợi thuỷ, khi phối hợp với các vị thuốc bổ khí mạnh như Đẳng sâm, Hoàng kỳ có khả năng nâng cao năng lực hoạt động của tỳ vị, qua đó gián tiếp cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện ở người bị phì đại tiền liệt tuyến.
Bài 6:
Dâm dương hoắc 120g,
Kim anh tử 120g,
Ngưu tất 30g,
Đương quy 60g,
Xuyên khung 30g,
Ba kích 30g,
Thỏ ty tử 60g,
Tiểu hồi hương sao 30g,
Phá cố chỉ sao 60g,
Nhục quế 10g,
Đỗ trọng 30g,
Trầm hương 15g.
Cách chế: tất cả thái vụn, ngâm trong 10 lít rượu trắng. Bịt kín miệng bình, sau 30 ngày thì dùng được. Uống mỗi ngày một chén nhỏ.
Công dụng: tráng dương cố tinh, mạnh gân cốt, bổ tinh tuỷ, dùng cho người bị phì đại tiền liệt tuyến thể thận dương hư mức độ nặng, ngoài các triệu chứng như đã nêu ở Bài 1 còn thêm tình trạng liệt dương, di tinh hoặc mộng tinh, chân tay giá lạnh, thậm chí có thể phù nhẹ chi dưới.
ThS Hoàng Khánh Toàn
Caythuocquy.info.vn