So với gạo trắng thì gạo lứt là một loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng hơn hẳn.
Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, thuộc Trường ĐH Shinshu ở Nagano, đã phát hiện thấy gạo lứt khi được ngâm trong nước ấm khoảng 22 giờ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Lý do là gạo lứt lúc này đang ở trạng thái nảy mầm.
Tiến sĩ Hiroshi Kayahara, giáo sư khoa sinh học và kỹ thuật sinh học thuộc trường này, cho biết các enzyme nằm yên trong hạt gạo ở trạng thái này được kích thích hoạt động và cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng.
Theo Hiroshi Kayahara và đồng nghiệp, mầm gạo lứt ngâm nước lâu chứa nhiều chất xơ, các vitamin và chất khoáng hơn so với gạo lứt chưa ngâm.
Trong báo cáo về kết quả nghiên cứu, Kayahara viết rằng, so với gạo lứt chưa ngâm nước thì gạo lứt đã ngâm nước chứa gấp 3 lần chất lysine, một loại amino axít cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì các mô tế bào cơ thể con người. Gạo lứt có chứa lượng hợp chất gamma-aminobutyric, một axít có lợi cho thận, nhiều hơn 10 lần so với gạo lứt chưa ngâm nước.
Tiến sĩ Kayahara cho biết thêm, gạo lứt nảy mầm không những chứa nhiều chất dinh dưỡng, mà còn nhanh chín hơn. Khi chín, gạo lứt nảy mầm có vị hơi ngọt vì các enzyme đã tương tác với các loại đường và đạm trong hạt gạo. Trong khi đó, gạo trắng dù có đem ngâm cũng không thể nảy mầm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khuyên mọi người nên sử dụng nhóm hạt thô, trong đó có gạo lứt, như là thành phần chủ yếu trong chế độ dinh dưỡng. Gạo lứt cung cấp nhiều carbohydrate và chất khoáng cũng có mặt ở phần vỏ bọc ngoài của hạt gạo.
Một bát nhỏ cơm gạo lứt cung cấp khoảng 230 calo, 3,5 gam chất xơ, 5 gam chất đạm, 50 gam carbohydrate và các vitamin B6, B1, B2, B3, vitamin E, cùng nhiều chất khoáng khác.
Nhiều công trình nghiên cứu trước đây cũng cho thấy chất xơ trong gạo lứt có tác dụng phòng ngừa một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và bệnh tim mạch. Viện Ung thư quốc gia Mỹ đã đưa ra lời khuyên là nên sử dụng khoảng 25 gam chất xơ mỗi ngày. Một bát cơm gạo lứt cung cấp khoảng 3,5 gam chất xơ, trong khi đó một bát cơm gạo trắng chỉ cung cấp có 1 gam mà thôi.
Một thành phần quan trọng khác trong vỏ bọc ngoài của gạo lứt chính là một loại dầu có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu, mà cholesterol lại là một yếu tố quan trọng gây nên bệnh tim mạch.
Các nhà khoa học đã tìm thấy trong cám bọc ngoài hạt gạo lứt một loại dầu gọi là tocotrienol factor, có tác dụng loại bỏ những chất hóa học gây ra hiện tượng đông máu, và đồng thời giảm lượng cholesterol.
Theo RD