Theo Đông y, Củ cải vị ngọt, tính bình, hơi mát, vào 3 kinh tỳ, vị và phế, có tác dụng kiện tỳ, tiêu thực, chỉ khái hóa đờm, khoan khoái, lợi tiểu, thanh nhiệt giải độc. Trong Củ cải có chứa: nước 92%; cellulose 1,7%; gluxit 3,7%; protit 1,5%. Theo kết quả nghiên cứu hiện đại: trong Củ cải tươi chứa rất nhiều các nguyên tố như: glucose, pentosan, catalase… các sinh tố A1, B1, B2 và C hàm lượng cao hơn các loại rau quả thông thường.
Trong Củ cải còn có nhiều nguyên tố vi lượng như canxi, phôtpho, sắt. Kết quả nghiên cứu gần đây cho biết: trong Củ cải có chất interferon – có tác dụng điều chỉnh chức năng của hệ miễn dịch, chống lại sự tăng trưởng của tế bào ung thư, điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Lập Thạch Hòa trong Canh dưỡng sinh, ức chế các tế bào ung thư không phát triển. Vì vậy ăn Củ cải thường xuyên cũng là biện pháp phòng chống ung thư.
Cháo củ cải - món ăn điều dưỡng có ích với người cao tuổi
Cách làm: Củ cải tươi (cả vỏ) khoảng 2 lạng, rửa sạch, thái nhỏ; Gạo tẻ một lạng, đem nấu cháo, ăn nóng vào buổi sáng và buổi tối.
Tác dụng: Trợ giúp tiêu hóa, làm cho ngực, bụng khoan khoái, có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường và viêm khí quản mãn tính ở người già (hóa đàm, chỉ khát, tiêu thực lợi cách, chỉ tiêu khát).
Chú ý: Người tỳ vị hư hàn không nên dùng cháo này.
Củ cải thịt Dê - món ăn dành cho những người hay lạnh bụng, tỳ vị hư hàn
Cách làm: Củ cải 1 lạng, thịt Dê 2 lạng, đem hấp chín sau đó cho thêm vỏ Quýt, Giềng và Gừng, mỗi thứ 3g, chút hạt tiêu và vài nhánh Hành, hấp thêm chút nữa rồi ăn khi còn nóng.
Tác dụng: Giúp ích tiêu hóa, trợ dưỡng, tán hàn.
Một số tác dụng khác
Chữa ho ra máu: Củ cải nấu với cá Trắm, có tác dụng tốt với dạng bệnh nhẹ, ăn liên tục như vậy có thể khỏi hẳn.
Chữa viêm khí quản cấp tính: Củ cải rửa sạch, để cả vỏ, thái lát mỏng, cho vào bát, phía trên phủ một lớp mạch nha, để một đêm, hôm sau gạn nước uống dần.
Trị chảy máu cam: Củ cải giã vắt lấy nước, thêm chút rượu rồi nhỏ vào mũi.
Trị choáng đầu (đặc biệt ở tuổi già): Củ cải 90g, Hành củ 90g, Gừng tươi 30g, tất cả giã nát đắp lên trán, ngày đắp một lần, mỗi lần nửa tiếng.
Chữa táo bón: Hạt Cải 30g sao vàng, chiêu với nước sôi còn ấm (với trẻ nhỏ thì giảm bớt lượng). Theo kết quả điều trị của bệnh viện Liêu Ninh (Trung Quốc), uống hạt Cải sao vàng từ 3 – 5 tiếng là đại tiện phân mềm, dễ dàng.
Bài thuốc Tam tử dưỡng thận thang
Đây là bài thuốc kinh điển cho thấy giá trị của Củ cải. Thuốc mang ý nghĩa ba người con phụng dưỡng cha mẹ. Tam tử thực ra là 3 thứ hạt, chữ “tử” còn có nghĩa là hạt, đó là hạt Củ cải 6g, hạt Cải trắng 3g, hạt Tía tô 6g. Ba thứ sao vàng tán nhỏ, gói vào vải, đun lên như nấu trà và uống thay nước hàng ngày. Người già bị khó tiểu, đầy bụng, ợ hơi, ho suyễn, họng thở khò khè, dùng phương thuốc này rất tốt.
Theo Lập Thạch Hòa, 99% lượng canxi nằm trong Củ cải là ở vỏ vì thế khi chế biến không nên bỏ vỏ, rửa sạch để dùng.
Nguyễn Trương Tuấn - CTQ số 55