Hồng đỏ, Cốm xanh - hai thứ màu sắc đối lập nhưng luôn là chìa khóa để tôi tưởng tượng đến mùa thu miền Bắc.
Mùa nào đi qua cũng đều tặc lưỡi: ngắn quá! Rồi lại AQ tự an ủi: vì nó ngắn mới nhớ tiếc. Và bởi nhớ tiếc nên cứ thấy như nó đẹp hơn bình thường.
Nhà mẹ chồng tôi trong làng Vòng Hậu - thủ phủ của cốm Vòng. Vào mùa Cốm, hàng xóm cách vách ù ù máy xay chạy cả ngày. Mẹ tôi bảo, nhà ấy làm Cốm ngon nhất làng.
Chúng tôi sống cách nhà mẹ chồng 7 cây số, cuối tuần về chơi, bà dúi cho một gói lá sen be bé, dặn phải ăn ngay mới ngon. Giở ra, thấy có một nhúm nhỏ cốm dẻo, sau tôi mới biết gọi là Cốm dót. Hạt Cốm dót cho vào miệng giống như ngậm hương, thơm đầy cả ký ức. Ngọt ngọt thanh thanh cộng hưởng với cái màu xanh non của lúa làm dịu hẳn những oi bức của xứ nhiệt đới. Lưu luyến tiếc nuối để nó chậm rãi tan ra. Hương vấn vít của nếp mới lẫn trong thoang thoảng lá Sen vào một sáng thu se se của Hà Nội là cái cảm giác khiến người ta chỉ muốn đông đá mà lưu trữ. Thứ ngọt hậu của cốm mới, giống như ngọt hậu của trà, khiến bàn tay nhón Cốm không dừng được, cho đến khi còn trơ mỗi vỏ lá Sen non. Tiếc cái mùi thơm, tôi lại dùng dây rơm nếp cuốn lá Sen lại, để trước bàn làm việc. Mấy hôm sau, chỗ tôi ngồi vẫn có mùi Sen thoang thoảng.
Buổi sáng, tôi ăn nhúm Cốm dót ấy mà tỉnh táo đến tận trưa. “Quen ăn bén mùi”, dặn mẹ chồng “lần sau phải gửi nhiều nhiều cho con”. Mẹ tôi bảo: Cô ạ, cả ngày làm hai ba mươi cân Cốm, người ta chỉ lựa được ba bốn lạng Cốm dót thôi. Giá đắt gấp ba lần Cốm thường mà toàn người quen đặt mua. Hôm nào cũng thiếu.
Tôi chắc những người đã quen ăn Cốm dót khẩu vị sẽ đều bị chiều hư. Cốm dót mềm hơn, ngọt hơn, dẻo hơn cốm thường. Và mặc dù màu sắc xấu hơn (không xanh, không tơi bằng) nhưng “nội hàm” của nó, quả thật “không phải hơn ở dạng vừa”.
Người nghiện Cốm đều sẽ có thói quen “ăn” Cốm bằng cả thị giác, khứu giác và vị giác. Thành ra cái mùi nếp mới đọng lại trong ký ức rất lâu. Lâu đến mức đi qua một cánh đồng, thể nào cũng có cảm giác ngửi thấy mùi Cốm. Từ mùi Cốm dắt dây sang mùi Hồng, mùi Chuối trứng cuốc, mùi lá Sen. Và kết thúc bằng mùi gió thu lành lạnh nơi chóp mũi.
Nhiều người thích ăn Chuối trứng cuốc chấm Cốm. Tôi không có thói quen ấy. Bởi vì mùi Chuối và vị ngọt của Chuối sẽ át đi mùi vị Cốm. Tôi chỉ ăn Cốm “sếch”. Dùng tay bốc. Và rất dễ bị phân tâm khi ăn Cốm. Tôi có thể vừa ngồi xem phim hoặc đọc sách vừa mê mải gặm nhấm đủ mọi thứ trên đời mà không hề bị phân tâm. Trong khoảng thời gian đó, chocolate hoặc pizza hoặc kẹo lạc hoặc bỏng ngô… vào miệng tôi đều chỉ có một nhiệm vụ giống nhau: chống nhạt mồm nhạt miệng. Riêng cốm thì khác! Cái thứ ngọt thanh nơi đầu lưỡi và mùi thơm phảng phất của nó rất hay “xúi giục” tôi nghĩ đến việc ra khỏi nhà. Bởi vì thời tiết vào khoảng có Cốm thường quá đẹp. Nó khiến người ta muốn đi chơi, muốn thả lỏng, muốn hẹn hò…
Bây giờ, Cốm có quanh năm, nhưng ngon nhất vẫn phải đúng mùa của nó. Đầu đến cuối tiết thu. Tôi có cảm giác nếu ăn Cốm vào mùa hè, giữa cái nóng hừng hực hẳn là sẽ rất háo. Tâm trí lúc ấy thường chỉ nghĩ đến cốc nước mía hoặc nước chanh có nửa phần đá, uống vào đến đâu hơi lạnh tỏa ra đến đó. Hoặc ăn cốm vào mùa đông, giữa cái lạnh cắt da, hẳn là vị cốm cũng trở nên đanh cứng. Cốm chỉ hợp với cái nắng thu nhàn nhạt, với cái gió se se, lẫn trong mùi na, mùi thị, mùi hoa láng giống như ướp thơm cả nụ cười.
Cốm vẫn có thể dền dứ ăn đến đầu đông. Bằng cách nấu chè. Chút bột sắn thanh thanh mùi hoa bưởi. Thêm nhúm Cốm tươi chỉ thả vào khi tắt bếp là thành một món dessert rất nhã. Nó hợp với không khí ấm cúng trong phòng và ngoài kia ù ù gió bấc.
Thường trong mấy tháng mùa thu tôi sẽ ăn cốm liên tục. Và luôn tiếc nuối khi các bà bán Hồng thông báo: hết mùa rồi! Hồng đỏ, Cốm xanh - hai thứ màu sắc đối lập nhưng luôn là chìa khóa để tôi tưởng tượng đến mùa thu miền Bắc. Mùa nào đi qua cũng đều tặc lưỡi: ngắn quá! Rồi lại AQ tự an ủi: vì nó ngắn mới nhớ tiếc. Và bởi nhớ tiếc nên cứ thấy như nó đẹp hơn bình thường.
Nam Bằng