Sỏi thận là bệnh thuộc đường tiểu - sinh dục phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm nhiễm và tuyến tiền liệt. Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn trao đổi chất khoáng, những cái lẽ ra phải tan lại không tan mà kết tủa và tích tụ trong cơ thể, dần dần hình thành sỏi.
Triệu chứng thông thường khi bị sỏi thận bao gồm: Đau ở háng, lưng, dưới xương sườn; Các cơn đau kéo dài 20 - 60 phút, cường độ có thể thay đổi; Đau từ mặt ra lưng, từ bụng đến dưới háng; Nước tiểu đục, có mùi hôi hoặc có máu; Đau khi đi tiểu; Buồn nôn và nôn mửa; Đi tiểu liên tục...
Việc điều trị sỏi thận, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ thì chế độ ăn uống của người bệnh cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trước tiên, bác cần uống nhiều nước, khoảng 8-10 ly nước mỗi ngày giúp giữ cho nước tiểu loãng - làm giảm nồng độ khoáng chất hình thành “cặn lắng” trong nước tiểu; Giảm lượng muối ăn hàng ngày; Đảm bảo chế độ ăn uống chứa canxi đầy đủ; Tránh những loại thực phẩm có thể làm tăng lượng axit uric hoặc oxalate trong nước tiểu như: rau bina, socola, củ cải đường, trà...; Hạn chế đường và protein động vật; Bổ sung chất xơ không hòa tan trong bữa ăn... Ngoài ra, bác nên tạo thói quen ăn trái cây và rau xanh hàng ngày.
BS. Nguyễn Thị Lan