Cháo thuốc có rất nhiều loại nhưng có thể tạm chia ra làm 6 nhóm đó là cháo thuốc có tác dụng dưỡng huyết là chủ yếu, cháo thuốc bổ khí, cháo thuốc kiện tỳ trợ tiêu hóa, cháo thuốc hóa đờm cắt ho, cháo thuốc dưỡng âm và cháo thuốc có tác dụng ôn dương. Sau đây xin giới thiệu cụ thể những món cháo thuốc tiêu biểu trong từng nhóm ấy để tiện tham khảo và thuận lợi cho việc áp dụng khi cần sao cho tương thích với từng bệnh chứng thì mới có thể an toàn, hiệu quả.
Những món cháo thuốc dưỡng huyết chủ yếu:
* Món cháo lạc, đại táo: Lạc nhân 100g, đại táo 10 quả, gạo nếp 60g. Cho lạc nhân và đại táo vào nấu trước bằng lửa nhỏ trong 20 phút, sau cho tiếp gạo nếp vào nấu nhừ thành cháo, chia ra ăn hết vào sáng và tối.
* Món cháo vừng: vừng 50g, gạo nếp 100g. Cho vừng và gạo nếp đun lửa nhỏ nhừ thành cháo, sau cho vào chút mật ong đánh đều mang ra ăn.
* Món cháo Hà thủ ô: Hà thủ ô 30g, sắc kỹ chắt lấy nước, cho 50g gạo tẻ vào nước sắc này nấu nhừ thành cháo ăn tùy ý vào lúc sáng tối.
* Món cháo cà rốt: cà rốt tươi 200g, gạo nếp 50g. Cà rốt rửa sạch thái nhỏ, cho vào cùng gạo nếp nấu nhừ thành cháo ăn.
* Món cháo gan lợn: Gan lợn 100g, lọc bỏ hết gân mỡ, rửa sạch thái nhỏ. Cho gạo tẻ vào nấu thành cháo loãng ăn vào sớm tối trong ngày.
Những món cháo thuốc bổ khí
* Cháo Đảng sâm, Hoàng kỳ: Hoàng kỳ 50g, Đảng sâm 30g, gạo nếp 100g. Ngâm Hoàng kỳ và Đảng sâm trong 30 phút, sau cho vào siêu thuốc sắc lấy nước đặc, bỏ bã, cho gạo nếp vào nước thuốc nấu nhừ thành cháo ăn với đường trắng.
* Cháo Phục linh: Lấy Phục linh trắng cao cấp khô chừng 30g, cho vào 30g gạo nấu nhừ thành cháo loãng ăn vào sáng tối tùy thích.
* Cháo sữa bò: Sữa bò tươi 200ml, gạo nếp 100g, đường trắng 50. Cho gạo vào nấu thành cháo, khi sắp chín chắt bỏ nước cho sữa tươi, đường vào nấu cháo sôi là ăn được.
* Cháo chim cút: Chim cút 1 con, gạo nếp 100g, nước thịt 1.500g, hành, gừng, gia vị vừa đủ. Làm thịt chim cút moi bỏ ruột, rửa sạch, tẩm gia vị hấp chín, gỡ lấy thịt, cho nước thịt vào cùng gạo nếp đun to lửa cho sôi, hạ lửa nhỏ đun đến khi cháo nhừ đặc mới cho thịt chim cút đã gỡ vào, dầu vừng, muối, mì chính, rồi đun tiếp một lúc nữa là được, ăn cháo.
* Cháo gan lợn, Bạch truật: Bạch truật 60g, tân lang (hạt cau) 10g, gan lợn 1 bộ, gạo nếp 100g, gừng, muối vừa đủ. Rửa sạch gan lợn, nhét bạch truật và tân lang vào gan lợn khâu kín lại, sau đó cho gan lợn vào nồi đổ nước vừa phải, đun lửa to đến sôi, hạ nhỏ lửa đun nhừ, vớt gan lợn ra hớt bỏ lớp mỡ trên bề mặt của nước, giữ lại nước gan lợn khoảng 1.000g, cho gạo nếp đã vo sạch cùng gan lợn nổi to lửa đến sôi, sau hạ lửa nhỏ đun đến khi gạo nở nhừ thành cháo, lấy gan lợn thái miếng ăn cùng cháo.
Cháo thuốc kiện tỳ, trợ tiêu hóa:
* Cháo cháy cơm: Cháy cơm 150g, Sơn tra phiến 10 lát, Quất 10g, đường trắng vừa đủ. Cho cháy cơm vào nồi, đổ nước, nấu thành cháo. Khi cháo sắp được thì cho Sơn tra vào, cùng Quất đã thái nhỏ hạt lựu, nấu đến khi chín nhừ là được. Ăn hết trong ngày.
* Cháo nhị bảo: Hạt sen, Sơn tra, gạo nếp lượng mỗi thứ vừa đủ nấu thành cháo loãng. Hạt sen bỏ tâm giữ lại vỏ lụa, Sơn tra nghiền vụn, cả ba thứ cho vào nấu thành cháo loãng. Trước khi đi ngủ, ăn 1 bát nhỏ với đường hay muối. Cần ăn vài ngày liền mới hiệu nghiệm.
* Món cháo cam phật thủ: Cam phật thủ 15g, gạo nếp 100g, đường phèn vừa đủ. Cho cam phật thủ vào nồi đổ nước, đun kỹ bỏ bã, giữ nước. Sau đó cho gạo nếp và đường phèn vào nước sắc của cam phật thủ (nếu nước ít không đủ để nấu thành cháo thì đổ thêm nước). Nổi to lửa đun đến sôi, hạ nhỏ lửa cho cháo nhừ là được. Mỗi ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và tối.
* Món cháo Kê nội kim: Màng trong mề gà (Kê nội kim) 10g, đem sao vàng sẫm, nghiền thành bột, gạo nếp 100g, đường trắng vừa đủ. Cho gạo nếp và đường trắng vào nồi nấu thành cháo đặc, sau đó cho bột Kê nội kim vào nấu sôi bùng 2 – 3 dạo là được. Ăn nóng, mỗi ngày ăn 2 lần vào sáng và tối.
* Món cháo đậu ván trắng: Đậu ván trắng 50g, gạo nếp 100g, đường đỏ vừa đủ. Cho đậu ván trắng và gạo nếp vào nồi, đổ nước vừa để nấu thành cháo. Nổi to lửa đến sôi, hạ lửa nhỏ riu riu, cho đường đỏ vào nấu nhừ có mùi thơm thì tắt lửa om trong 5 – 8 phút là được. Ăn trong ngày.
Cháo thuốc hóa đờm, cắt ho.
* Món cháo lê: Quả lê 500g, gọt bỏ vỏ và hạt, thái chỉ, gạo tẻ 100g vo sạch, cho lê và gạo vào nồi, đổ nước nổi to lửa nấu sôi, sau hạ nhỏ lửa đến khi nhừ là ăn được.
* Cháo củ cải: Củ cải trắng tươi 250g, gạo nếp 100g. Củ cải rửa sạch thái nhỏ cho cùng gạo nếp nấu nhừ thành cháo, ăn hết trong ngày.
* Cháo bách hợp: Bách hợp khô 30g (ngâm nước lạnh trong 1 đêm), lạc nhân 50g, gạo nếp 100g. Lạc nhân bỏ vỏ dùng lửa nhỏ đun trong 20 phút, sau cho gạo nếp vào nấu thành cháo. Khi cháo nhừ cho Bách hợp vào nấu chốc lát nữa là được (nên sử dụng nồi đất hoặc nồi tráng men để nấu cháo này) có thể nấu thành cháo nhạt, ngọt, mặn đều được. Tốt nhất ngày ăn một lần 1 bát nhỏ vào lúc trước khi đi ngủ.
* Cháo Bối mẫu: Xuyên bối mẫu 5g, gạo nếp 50g, đường trắng vừa đủ. Nghiền Xuyên bối mẫu thành bột, cho gạo nếp vào nồi, đổ nước, nổi to lửa đến sôi, sau hạ nhỏ lửa đun đến khi thành cháo nhừ thì cho bột Xuyên bối mẫu và đường trắng khuấy đều và tiếp tục đun sôi nhà 2 – 3 dạo là được. Ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và tối, cũng có thể ăn phụ vào các buổi sáng và chiều hàng ngày.
* Cháo Tô tử: Tô tử 15g, gạo nếp 100g, đường phèn vừa đủ. Rửa sạch Tô tử, giã nát cho ra nước sền sệt, sau đó cho gạo nếp, Tô tử, đường phèn vào nồi đổ nước nấu to lửa đến sôi rồi hạ lửa cho cháo nhừ là được. Mỗi ngày ăn 2 lần vào sang và tối. Không nên ăn kéo dài, mỗi liệu trình là 7 ngày.
Cháo thuốc loại dưỡng âm.
Tất cả các vị thuốc và bổ phẩm có tác dụng dưỡng âm đều có thể nấu cùng với gạo thành món cháo thuốc mà tất cả cháo thuốc loại này đều thích hợp cho những người âm hư. Sau đây xin giới thiệu những món cháo dưỡng âm tiêu biểu.
* Cháo Tang thầm (quả dâu): Lấy quả dâu tươi đã chín có màu tím thẫm 30g, gạo nếp 50g, đường phèn vừa đủ. Tất cả cho cùng vào nồi, đổ vừa nước, nấu thành cháo. Ăn nóng vào buổi sáng sớm lúc mới ngủ dậy bụng đói.
* Cháo A giao: A giao 20g, gạo nếp 100g, đường đỏ vừa đủ. Cho A giao vào nồi nổi lửa nhỏ riu riu để sao vàng, tán thành bột nhỏ. Cho gạo nếp vào nồi, đổ nước nổi to lửa đun sôi, sau hạ lửa nấu nhừ thành cháo, sau cho bột A giao, đường đỏ vào khuấy đều đợi cháo sánh là được. Ngày ăn 1 lần đến 2 lần vào lúc bụng đói.
* Cháo Bạch quả: Bạch quả 10g, gạo nếp 100g. Lấy Bạch quả bỏ vỏ để nhân bỏ tâm, giã nát. Sau đó cho cùng gạo nếp, đổ nước nổi to lửa đến sôi, hạ lửa nhỏ nấu nhừ thành cháo và ăn.
* Cháo Yến sào: Yến sào 15g, gạo nếp 150g, đường phèn vừa đủ. Cho Yến sào vào nước nóng 50oC, ngâm cho nở và vớt ra nhặt bỏ hết lông, gạo nếp vo sạch ngâm 12 tiếng, sau đó cho gạo nếp vào nồi đổ nước, nấu to lửa đến sôi, hạ nhỏ lửa chờ khi cháo nhừ thì cho Yến sào cùng đường phèn vào để cháo sánh là được.
* Cháo Thục địa: Thục đia 30g, gạo nếp 30g. Cho Thục địa cùng gạo nếp vào nồi, đổ đủ nước, nấu thành cháo ăn trong ngày.
Ngoài ra có thể nấu cháo Cẩu kỷ tử, cháo thịt thỏ, cháo ba ba v.v. cách chế biến cũng gần giống như trên.
Cháo thuốc loại ôn dương
* Cháo thịt chó: Thịt chó sống 150g, gạo nếp 150g, gừng tươi 3 lát, hành 3 củ, muối tinh. Rửa sạch thịt chó thái thành miếng mỏng dài 3cm, rộng 1cm, dày 0,6cm. Gừng thái hạt lựu. Cho thịt chó, gạo nếp, hành, gừng, muối vào nồi, đổ nước vừa phải nổi, đun to lửa đến sôi, sau hạ lửa nhỏ cho gạo thịt nhừ là được. Nên ăn nóng vào buổi sáng sớm hay tối lúc đói bụng, hàng ngày.
* Cháo thịt cừu: Thịt cừu 150g – 200g, gạo nếp 100g, gừng tươi 3 lát, hành, muối. Rửa sạch thịt cừu, thái miếng như thịt chó ở trên, gừng thái hạt lựu. Cho thịt cừu, gạo nếp, hành, gừng, muối vào nồi, đổ nước vừa phải, nổi to lửa cho sôi, hạ lửa riu riu đến khi gạo thịt nhừ là được. Cũng ăn cháo khi đang nóng ngày 2 lần vào lúc bụng đói các buổi sáng tối hàng ngày. Theo cách này có thể nấu cháo bằng thịt lợn cũng được.
* Cháo Nhục quế: Nhục quế 3g, gạo nếp 100g, đường cát vừa đủ. Nghiền Nhục quế thành bột nhỏ. Cho gạo nếp, đường cát vào nồi nấu thành cháo loãng. Cháo nhừ cho bột Quế vào đun sôi bùng lên là được. Ăn cháo trong ngày.
* Cháo chim sẻ: Chim sẻ 1 con, Thỏ ty tử (hạt dây tơ hồng) 30g, Phúc bồn tử (quả mâm xôi) 10g, Cẩu kỷ tử 15g, gạo nếp 100g, hành, gừng, muối, rượu vừa đủ. Làm thịt chim sẻ bỏ ruột, rửa sạch cho rượu vào chim sẻ đảo qua. Cho các vị Thỏ ty tử, Cẩu kỷ tử, Phúc bồn tử vào nồi đất, đổ nước sắc lấy nước thuốc đặc rồi cho chim sẻ và gạo nếp vào nước thuốc này, nếu ít đổ thêm nước, nấu thành cháo loãng. Khi này tra muối, hành, gừng nấu sôi chốc lát là được. Cháo này nên ăn nóng vào khi đói bụng vào các buổi sáng và tối mùa đông là hay nhất.
* Cháo hạnh đào: Hạnh đào nhân 50g, gạo nếp 100g. Hạnh đào nhân giã giập, cho vào nồi cùng gạo nếp, đổ nước vừa đủ, nổi to lửa đun sôi, hạ lửa nhỏ hầm nhừ đến khi thấy trên bề mặt nổi váng là được. Ăn hết trong ngày.
Hoàng Xuân Đại (CTQ số 104)