Những người táo bón kinh niên
Nấu canh Lộc mại ăn liền hết ngay.
Đó là phương thuốc mà Lương y Lê Quý (ở Túy Loan- Đà Nẵng) đã “trực truyền” cho tôi trong một lần đàm đạo về thuốc Nam. Vườn nhà L.Y Lê Quý có trồng sẵn cây Lộc mại (xem ảnh) tôi xin ngay một nắm chừng 15-20 lá Lộc mại đem về cho bà cô hay mắc chứng táo bón dùng thử. Cô xắt nhỏ nấu với tôm (phải là tôm, thầy Quý dặn thế!) thành bát canh ăn một lần, thấy hiệu nghiệm ngay. Điều đặc biệt là thuốc gây nhuận trường đi cầu dễ dàng mà không gây đau bụng như một số thuốc tẩy xổ khác. Hôm sau tôi đến xin giống cây Lộc mại về trồng (cây này rất dễ trồng, bằng cách giâm cành hay bứng cây con mọc từ rễ cây mẹ) nhân tiện hỏi thêm về nguồn gốc của bài thuốc. Lương y Quý nói đây là một biến phương được vận dụng từ sách thuốc của “sư phụ” Đỗ Tất Lợi.
Tôi về tìm đọc, quả thật sách NCT&VTVN có giới thiệu cây Lộc mại còn gọi là lục mại, rau mọi. Tên khoa học Mercurialis indica Lour. Thuộc họ Thầu dầu (EUPHORBIACEAE).
Mô tả cây: Cây nhỏ, cao 2-3m, có nhiều cành nhỏ, dòn. Đặc biệt trên mặt thân và cành có những bì khổng hình chấm trắng lấm tấm. Lá đơn, có cuống, có lá kèm, mép có răng cưa đều, dài 10-20cm, rộng 5-10cm. Hoa đực có cuống, mọc thành bông dài 10-20cm, thõng xuống. Hoa cái nhỏ li ti, mọc đơn độc hay thành từng đôi, hầu như không cuống. Quả ba mảnh vỏ, trên mặt có những gai nhỏ, ngắn.
Lộc mại là thuốc được dùng trong nhân dân chữa táo bón, đau bụng, kiết lỵ cấp tính, da vàng. Dùng ngoài chữa lở ngứa (nấu đặc rửa). Uống mỗi ngày 10-20g lá khô hoặc 20-40g lá tươi. Sắc uống.
Đơn thuốc có Lộc mại: Dịch ép lá Lộc mại 30ml, mật ong 30g, trộn đều, đun sôi. Lọc mà uống trong ngày làm thuốc nhuận tẩy, thông mật.
Theo GSTS.Đỗ Tất Lợi, về thành phần hóa học và tác dụng dược lý cây Lộc mại của ta chưa thấy có tài liệu nghiên cứu, nhưng cây Lộc mại châu Âu -Mercurialis annua L. (hay Foirolle - Pháp) đã được nghiên cứu thấy rằng cây này chỉ có tác dụng khi dùng tươi, nếu phơi khô hay sấy khô thì súc vật ăn không làm sao. Nếu dùng với liều hơi cao hay dùng luôn thì gây tẩy mạnh. Nếu đun sôi hay sắc cho nóng thì hoạt chất mất đi và cây trở thành một vị thuốc gây hoạt nhuận. Một số vùng châu Âu người ta ăn cây này đã nấu chín.
Tác giả còn lưu ý: Trường hợp ngộ độc thường chỉ xảy ra khi dùng Lộc mại quá nhiều: đối với bộ máy tiêu hóa thì không tiêu, đầy, đau vùng ruột, ỉa lỏng kèm theo táo bón (nận xét trên súc vật); trên bộ máy tiết niệu thấy đái ra máu, đi đái luôn và buốt. Tim đập mạnh và nhanh. Bệnh nhân mệt, yếu. Viêm dạ dày và ruột, viêm thận. Muốn chữa ngộ độc cần dùng thuốc nhuận để tống hết chất độc, thuốc kích thích cung toàn thân. Cần chú ý là nước tiểu màu đỏ khi uống thuốc nhiều thì không phải đái ra máu mà là do một sắc tố của cây.
Đọc tài liệu trên đây, về tác dụng nhuận trường của canh Lộc mại đã rõ, còn vì sao lại nấu với tôm thì thú thật tôi vẫn chưa giải thích đươc. Mời bạn đọc CTQ tiếp tục tìm hiểu và thử nghiệm xem sao.
Phan Phú Sơn (CTQ số 106)