Mùa hạ là mùa dương khí vượng nhất trong năm, thời tiết nóng bức và ẩm thấp. Quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong.
Các lỗ chân lông giãn rộng, mồ hôi tiết ra nhiều để điều hòa thân nhiệt nhưng cũng vì thế mà tà khí dễ xâm nhập cơ thể. Hệ thống mao mạch ngoại vi cũng giãn ra, khí huyết lưu thông nhanh và mạnh hơn. Công năng của tỳ vị có xu hướng suy giảm vì nóng bức uống nhiều làm cho dịch vị bị pha loãng, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn dễ bị rối loạn. Bởi vậy, cổ nhân khuyên đưa ra các lời khuyên về ăn uống trong mùa hạ.
Chú trọng thanh nhiệt giải thử, lợi niệu, trừ thấp
Nắng nóng là chủ khí mùa hạ, là dương tà, tính thăng tán dễ làm hao tổn khí và tân dịch. Thử tà xâm nhập cơ thể gây ra nhiều mồ hôi làm tổn thương tân dịch, nếu không kịp thời bù đắp thậm chí có thể làm hao tổn nguyên khí, biểu hiện ra bên ngoài bằng các triệu chứng như mệt lả, khó thở, ngại nói, có khi đột nhiên ngã lăn bất tỉnh (say nắng, say nóng). Hơn nữa, thử thường kiêm với thấp (độ ẩm), thấp là âm tà dễ làm tổn thương dương khí. Đặc điểm của thấp tà là nặng trệ, kết dính, dễ gây thương tổn tỳ dương. Biểu hiện trên lâm sàng bằng các triệu chứng như chân tay tê mỏi, mình mẩy nặng nề, đầu nặng như đeo đá, không muốn ăn, hay đầy bụng, dễ đi lỏng, thậm chí có thể phù nhẹ hai chân... Bởi vậy, trong mùa hạ, Đông y khuyên nên chú trọng dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi niệu trừ thấp như Dưa hấu, Mướp đắng, Dưa chuột, Bí đao, Đậu xanh, Đậu đen, cháo Ngũ đậu, cháo Ý dĩ, cháo Đậu xanh, cháo Biển đậu, cháo Lá sen, trà Nhân trần, trà Hoa cúc, trà Nụ hoặc lá Vối, trà Actiso, trà Khổ qua...
Những ngày quá nóng bức có thể dùng một chút nước ướp lạnh hoặc nước đá để giúp cơ thể giải nhiệt nhưng không được dùng nhiều để tránh làm thương tổn tỳ vị, tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong. Khi mồ hôi ra nhiều phải chú ý bổ sung đủ lượng nước đã mất bằng đường ăn uống. Cổ nhân có câu: “Hãn vi tâm dịch” (mồ hôi là dịch của tâm), bởi thế khi mất mồ hôi âm dịch trong cơ thể nói chung và âm dịch trong tạng Tâm nói riêng (gọi là Tâm âm) cần chú ý trọng dụng những đồ ăn thức uống có công dụng thanh nhiệt dưỡng âm như Thạch đen, Chè đậu đen, trà Mạch môn, nước ép quả Lê, nước ép Ngó sen, nước Mơ, nước Mận, nước Dâu, trà Bát bảo...
Mùa hạ chú ý tránh làm thương tổn tỳ vị
Theo Đông y, các thực phẩm có công dụng phương hương tỉnh tỳ, kiện tỳ hóa thấp, giải thử đều trực tiếp hoặc gián tiếp giữ gìn và nâng cao năng lực hoạt động của tỳ vị, ví như các loại cháo chế từ Đậu xanh, Đậu cô-ve, Bạch biển đậu, Ý dĩ, Hạt sen, Củ mài...; các loại trà Hoắc hương, trà Nụ vối, trà Hương nhu, trà Lá sen... Nên chú ý dùng thêm các đồ ăn thức uống có vị chua ngọt, cay thơm để nhằm mục đích khai vị, kích thích cảm giác thèm ăn như các loại canh chua chế từ quả Sấu, Me, Khế, quả Dọc, Tai chua, quả Chay, Chua me đất hoa vàng... và các loại nước Cam, nước Chanh, nước Mơ, nước Sấu... Tuy nhiên, cần chú ý không nên dùng quá nhiều đường tinh luyện khi pha chế các loại nước giải khát. Để bảo vệ nguyên khí, cổ nhân khuyên “bảy mươi hai ngày mùa hạ nên bớt vị đắng, tăng vị cay để dưỡng phế khí” (Thiên kim yếu phương). Bởi vì căn cứ vào quy luật ngũ hành, Tâm thuộc hỏa, Phế thuộc kim, hỏa khắc kim, Tâm hỏa quá thịnh sẽ khắc phạt Phế kim, vị đắng vào Tâm, vị cay vào Phế, nếu ăn thêm một ít vị cay thì Phế khí sẽ được trợ dưỡng, nếu ăn bớt vị đắng thì Tâm hỏa sẽ không quá vượng thịnh mà hại Phế khí. Tôn Tư Mạo, danh y đời Đường (Trung Quốc) đã viết: “Nghi tỉnh khổ tăng tân, dĩ dưỡng phế khí” (nên giảm đắng tăng cay để dưỡng phế khí).
Mùa hạ nên dưỡng dương, bệnh mùa đông trị vào mùa hạ
Mùa hạ nóng nực tuy phải dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử nhưng vẫn cần lấy ôn ấm làm chính để trợ giúp khí dương. Bởi vì, các nhà dưỡng sinh Đông y cho rằng mùa hạ tuy dương khí vượng thịnh bên ngoài nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, vậy nên “trời tuy nóng chớ tham mát, dưa tuy ngon chớ ăn nhiều”. Nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ thì mùa đông sẽ mắc nhiều bệnh tật, phải biết thuận ứng thiên thời để bồi bổ dương khí, trừ khử âm hàn có như vậy mới gọi là phòng bệnh triệt để. Các quan niệm của cổ nhân như “đông bệnh hạ trị” (bệnh mùa đông trị vào mùa hạ), “bổ tại tam phục” (một số bệnh âm thịnh dương hư và bệnh mạn tính thường phát vào mùa đông có thể sẽ giải quyết tốt nếu biết bồi bổ vào thời kỳ “tam phục”). Tam phục là cách gọi chung của sơ phục, trung phục và mạt phục, chỉ thời kỳ nóng nhất trong năm: sơ phục, 10 ngày tính từ ngày canh thứ ba sau Hạ chí; trung phục, 20 ngày tính từ ngày canh thứ tư sau Hạ chí; mạt phục, 10 ngày tính từ ngày canh thứ nhất sau Lập thu. Bởi vậy, trong mùa hạ việc chọn dùng một số đồ ăn thức uống có tính ôn bổ cũng là rất cần thiết, đặc biệt đối với những người có bệnh mạn tính và thể chất vốn suy nhược do dương khí kém.
ThS. Hoàng Khánh Toàn