Trong ẩm thực của người Việt Nam, thịt trâu là món ăn ngon, bổ dưỡng và mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau để trở thành món đặc sản. Theo Ðông y, thịt trâu vị ngọt, tính bình, mát, không độc, ích khí, dưỡng tì vị, mạnh gân xương, bổ cơ thể, tiêu thủy thũng, trị tiểu dắt, đau nhức do trúng gió độc. Sau đây là một số món ăn từ thịt trâu để bạn đọc tham khảo.
Thịt trâu rán vàng: một miếng thịt đùi, vắt hết nước, khía sâu đều khắp miếng thịt rồi bóp với tiêu, tỏi (giã nát) cho thấm, đem rán chín vàng, ăn với cơm hằng ngày. Tác dụng: bổ hư, dưỡng tì vị, mạnh gân cốt.
Thịt trâu xào khoai sọ: thịt trâu 200g, khoai sọ 200g. Thịt trâu thái mỏng đem ướp với bột mì, đường cát trắng, mỡ, nước mắm. Khoai sọ thái vừa và hơi dày rán giòn, múc ra đĩa. Xào thịt trâu đổ lên trên khoai sọ. Ăn với cơm hay bánh mì trong ngày. Tác dụng: tăng khí lực.
Thịt trâu xào sả ớt giúp tăng khí lực.
Thịt trâu xào sả ớt: thịt trâu thái lát mỏng, ướp với sả, ớt, tỏi (giã nhỏ), nước mắm, dầu, bột gạo và tương cho thấm. Cho dầu vào chảo, cho hành tây đã thái mỏng vào xào, khi hành chín tới thì vớt ra. Lại đun mỡ nóng già rồi đổ thịt trâu vào xào nhanh tay. Thịt trâu vừa chín tới thì thêm đường cát, trộn đều rồi múc ra đĩa. Đem lạc rang đã giã rắc lên đĩa thịt trâu. Món ăn này có tác dụng bổ hư, làm tăng khí lực.
Cà-ri thịt trâu: thịt trâu 500g, thái miếng hình bao diêm hoặc hình vuông, ướp muối, dầm nhuyễn hành tỏi, ớt vừa đủ, ướp thịt khoảng 15 phút cho thấm rồi cho vào chảo mỡ rán vàng. Khi thịt vàng thì cho bột cải và muối vào trộn đều, đổ thịt vào xoong, đổ nước ấm (nếu có nước dừa và nước cốt dừa thì không cho đường) cho ngập thịt rồi đậy kín, đun nhỏ lửa cho mềm. Khoai tây hoặc khoai lang xắt bằng nửa bao diêm, ướp đường, rán vàng, để sẵn. Chờ thịt gần chín mềm thì cho vào đun tiếp đến khi khoai chín. Khi nào nước trong xoong đặc còn một nửa là được.
Thịt trâu kho: lấy thịt ở chân, cổ, bụng là nơi có nhiều gân mỡ, thái miếng vừa ăn rồi ướp thịt với ngũ vị hương (húng lìu), đường, muối, hành, tỏi giã nát, để 30-45 phút cho thật thấm, rồi cho tiếp củ cải và cà rốt hoặc củ đậu và măng tre xắt bằng miếng thịt trâu cùng gừng, sả đã giã nát vào trộn đều. Rửa sạch nồi, lót lá sả dưới đáy rồi đổ thịt và gia vị vào. Cho nước lã, hoặc nước dừa xiêm ngập trên mặt và đun lửa đều. Khi nào thấy củ hoặc măng mềm là thịt gân đã chín. Ăn với cơm trong ngày.
Thịt trâu hầm: bất cứ bộ phận nào của trâu như thịt hay gân, mỡ lòng… đều làm sạch, để ráo, thái miếng nhỏ. Ớt, tỏi, hành băm nhỏ, rồi ướp với thịt, tiêu, ngũ vị hương, để 30 phút cho thấm. Đổ tất cả vào nồi cho nước ngập gấp đôi, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng 30-45 phút, nêm mắm muối vừa ăn là được
Thịt trâu nướng: thịt đùi trâu hoặc thịt bụng, thịt lưng xắt miếng vừa ăn, ướp gia vị như trên. Nửa giờ sau gói bằng lá lốt hoặc lá xương sông để lên vỉ sắt nướng trên than hồng (hoặc rán chả). Ăn lúc nóng.
Thịt trâu hầm bắp cải: thịt trâu (phần bụng) 200g, thịt trâu nhiều gân 200g, xắt miếng vừa ăn. Cho vào xoong đổ nước ngập 2-3 đốt ngón tay. 3 củ hành phi mỡ cho thơm, đổ vào nồi thịt cùng các gia vị mắm, muối, 200g cà chua bỏ hột, nửa quả nhục đậu khấu (mua ở hiệu thuốc bắc) giã thành bột.Đun lên cho sôi, hớt bỏ bọt. Khi thịt trâu chín thì cho 400g bắp cải vào (xắt to bằng bao diêm), nấu tiếp cho chín bắp cải, nếm lại vừa ăn, rắc mỡ, hành, tiêu cho đều, nhắc xuống ngay.
Thịt trâu luộc: thịt trâu đem xát muối và các gia vị, húng lìu, trên mặt để một khúc mỡ lợn dài bằng miếng thịt, dùng lạt tre buộc chặt, thả vào nước sôi trong 3 giờ, muốn giòn ngon thì thêm chút phèn chua vào nước. Khi lấy đũa đâm xiên qua thịt được là thịt đã chín mềm. Lấy ra để nguội, dùng cối đá đè lên trên cho ráo nước. Khi ăn cắt khoanh để lên đĩa.
Người bị bệnh ở tạng phủ nào thì chọn bộ phận đó của trâu mà nấu ăn thì có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Theo SKDS