TINH HOA XANH

10 thói quen ăn uống bất lợi cần tránh

Dưới đây là 10 thói quen ăn uống cần tránh vừa được tạp chí Forbes của Mỹ đưa ra giới thiệu, giúp chúng ta khắc phục được những tật xấu trong cuộc sống hàng ngày nhằm nâng cao sức khoẻ, hạn chế rủi ro mắc bệnh do ăn uống gây ra.

1. Ăn sáng tạm bợ
Ăn sáng tạm bợ hay bữa sáng quá nghèo nàn là thói quen không ít người vẫn duy trì, thậm chí còn bỏ bữa, ăn uống thất thường. Theo một nghiên cứu do các chuyên gia ĐH Pittsburgh (Mỹ) thực hiện cho thấy bữa sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là bữa sáng có đủ chất canxi, carbohydrat và chất xơ, nó có tác dụng duy trì năng lượng cho suốt cả một ngày. Sau bữa sáng nếu ăn thường xuyên hoa quả và carbohydrat phức lại càng có lợi, hạn chế tình trạng ăn quá nhiều vào bữa trưa và tối do quá đói, nhất là tiêu thụ quá nhiều natri, mỡ bão hoà và các loại thực phẩm giàu calo.

2. Ăn uống không suy nghĩ
Đây là thói quen đang tồn tại ở rất nhiều người, ăn uống bất kể mà không chú ý đến mặt lợi và mặt hại. Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì mọi người nên bớt chút thời gian quan tâm đến thực đơn hàng ngày của mình để điều chỉnh, tránh xa những thứ thực phẩm ngon miệng dễ gây bệnh như chất ngọt, mỡ, mì chính, uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá vô độ. Để mang lại lợi ích lâu dài, nên áp dụng khẩu phần cân bằng, ăn nhiều bữa, vừa đủ, hạn chế những loại thức ăn không có lợi, nhất là những người cần phải kiêng khem.

3. Ăn quá nhiều vào những ngày cuối tuần
Nhiều người áp dụng chế độ ăn uống cân bằng cả tuần nhưng đến cuối tuần lại chuyển sang “truy lĩnh” ăn uống thoải mái, đây là thói quen không tốt, duy trì liên tục trong 3 ngày từ thứ Sáu đến Chủ nhật, mỗi ngày ăn thêm trên 300calo, tập trung vào bữa sáng, tiêu thụ nhiều trứng, thịt lợn và bánh ngọt.

4. Ăn uống theo quảng cáo trên tivi
Thường rơi vào nhóm người trẻ tuổi, ăn uống những thứ theo quảng cáo trên tivi hay các phương tiện thông tin đại chúng. Ví dụ như các loại nước giải khát có chứa nhiều đường, mỡ... tạo ra thói quen lệ thuộc vào thức ăn nhanh, ít ăn rau xanh, hoa quả, chất xơ... mầm mống phát sinh những loại bệnh nan y khi trưởng thành như bệnh béo phì, dư thừa trọng lượng.

5. Ăn ba bữa/ngày
Theo rất nhiều nghiên cứu cho thấy thay vì ăn ba bữa, chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa trong ngày sẽ mang lại lợi ích cao nhất, hạn chế tình trạng no dồn đói góp, ăn quá nhiều trong một lần, giúp cơ thể trao đổi chất nhanh hơn và hiệu quả hơn. Riêng các vận động viên việc ăn nhiều bữa trong ngày, trọng tâm đến thực phẩm carbohydrate cao, mỡ thấp sẽ giúp cho cơ thể tăng cường năng lượng, dẻo dai, thi đấu tốt. Khi ăn nhiều bữa nên chú ý đến khẩu phần và lượng calo toàn phần.

6. Cảm giác vô địch trong ăn uống.
Rất nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi thường cho rằng mình khỏe mạnh nên ăn uống vô tư không sợ bệnh tật, tiêu thụ nhiều thực phẩm bất lợi, thức ăn nhanh, xôđa, uống nhiều rượu bia và lâu dần tạo ra thói quen khó sửa, nhất là bệnh tim mạch và tiểu đường. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng thì không có ai là vô địch cả, kể cả trong ăn uống, do vậy cổ nhân mới có câu, đại ý là bệnh tật đi từ miệng đi vào để nói khía cạnh này và nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác ăn uống khoa học ngay từ khi còn trẻ.

7. Từ bỏ thói quen ăn uống có lợi
Có rất nhiều người đang duy trì thói quen ăn uống khoa học nhưng khi cuộc sống thay đổi, kinh tế khá giả hoặc phải giao tiếp nhiều đã ăn uống lu bù, đã tự rời bỏ thói quen ăn uống có lợi đã đươc duy trì bấy lâu, chuyển sang ăn những thứ ngon miệng, cám dỗ. Theo chuyên môn thì để mang lại lợi ích lâu dài nên chú ý đến thời gian biểu, lựa chọn những thực phẩm có lợi, không nên tốn thời gian vô bổ vào việc ăn uống.

8. Ăn uống trong trạng thái căng thẳng
Nếu những ai phải sống và làm việc trong hoàn cảnh stress cao lâu ngày có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen ăn uống và sau những ngày làm việc kiểu này rượu bia bánh pizza có thể tác dụng tốt hơn so với món súp, rau xanh hay salat, nhưng stress lại là thủ phạm làm tăng hormon cortisol, gây tính háu ăn, chóng đói và dễ phát phì, vì vậy nên quản lý tốt stress và giảm bớt khẩu phần calo đầu vào.

9. Không chú ý đến nhãn mác thực phẩm
Thói quen này thường ở không ít người, kể cả những người làm nội trợ, vì vậy nếu lạm dụng có thể để lại hậu quả bất lợi, nhất là nhóm người cần ăn kiêng. Theo khuyến cáo của giới dinh dưỡng thì trước khi mua nên đọc kỹ nhãn mác, hiểu rõ thành phần dưỡng chất, thời hạn sử dụng, nhất là hàm lượng calo tính trên khẩu phẩn, tiếp đến là hàm lượng natri, chất xơ, cuối cùng là thương hiệu.

10. Lệ thuộc vào thực phẩm truyền thống.
Sau những ngày làm việc mệt nhọc, nhiều người ngại nấu ăn nên đã đến các loại thực phẩm bán sẵn như thịt hộp, cơm hộp…Ngoài cái lợi ai ai cũng biết thì mặt trái lại ít được quan tâm, đó là việc thiếu dưỡng chất, nhất là những chất có lợi cho cơ thể. Để khắc phục nên tìm mua những loại thực phẩm tươi sống giàu dinh dưỡng có sẵn trong rau xanh hoa quả, thịt, rau, gia vị…

Khắc Nam (CTQ số 104)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""