TINH HOA XANH

Dưỡng sinh với sức khỏe người cao tuổi

Dưỡng sinh là nội dung hoạt động chính của tự chăm sóc sức khỏe ban đầu của mỗi người dân tại cộng đồng theo cụm dân cư. Dưỡng sinh là một giải pháp tổng hợp góp phần thiết thực nâng cao chất lượng “chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Dưỡng sinh gồm 3 nội dung lớn (vận động dưỡng sinh, dinh dưỡng dưỡng sinh, tâm lý dưỡng sinh).

Dưỡng sinh bao gồm:

- Vận động dưỡng sinh

Vận động dưỡng sinh là các hoạt động luyện tập, rèn luyện sức khỏe, có nhiều bài tập tốt, nhưng toàn diện nhất, hài hòa nhất là bài tập dưỡng sinh kinh lạc, mà nhiều câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng theo cụm dân cư vẫn đang luyện tập đều đặn hằng ngày mang lại kết quả tốt cho sức khỏe và phục hồi cho sức khỏe.

Cơ sở khoa học của vận động dưỡng sinh là: Về tuần hoàn và chuyển hóa: Vận động làm toàn bộ hệ thống tuần hoàn đặc biệt là mạng lưới mao mạch trong cơ thể lưu thông tốt, đưa các chất dinh dưỡng và oxy đến nuôi tế bào cơ thể (cơ thể có khoảng từ 70-100 nghìn tỷ tế bào). Rồi lại đem đi những chất thải độc hại sản sinh trong quá trình chuyển hóa tế bào. Vì vậy vận động làm khí huyết lưu thông. Cần luyện tập cơ thể thường xuyên, liên tục hằng ngày theo các phương pháp luyện tập phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của từng người.

Phổ thông nhất là bài tập dưỡng sinh kinh lạc.

Về cơ, xương, khớp: Với khớp xương: Vận động làm trơn các khớp xương (cơ thể có khoảng 206 xương, 230 khớp nối, và có đến 436 vấn đề xương khớp). Các khớp xương nối với nhau cần được làm trơn hàng ngày. Nếu ít vận động sẽ dẫn đến thoái hóa, đau nhức, thoát vị...

Với xương: Vận động hợp lý duy trì đậm độ canxi trong tế bào xương, ít vận động sẽ làm mất canxi ở xương gây chứng loãng xương, nhất là ở người cao tuổi.

Với cơ: Vận động hợp lý làm tăng tế bào cơ vân phát triển cơ bắp, tăng hoạt động cơ trơn có tác dụng nhuận tràng, tiêu hóa tốt.

Về thần kinh: Vận động làm tăng độ nhạy của các phản xạ. Tăng cường máu lên não làm tăng trí nhớ, giảm sa sút trí tuệ làm con người tỉnh táo, sáng suốt, linh hoạt và có giấc ngủ tốt.

Vận động hợp lý còn ảnh hưởng tới toàn thân, tăng cường hoạt động của các tuyến nội tiết, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể...

duong-sinh-voi-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-1

Đồng diễn dưỡng sinh kinh lạc.

- Dinh dưỡng dưỡng sinh

Dinh dưỡng là nhu cầu rất cần thiết cung cấp nguyên liệu tạo năng lượng để duy trì mọi hoạt động của cơ thể.

Cơ sở khoa học của dinh dưỡng dưỡng sinh: cung cấp nguyên liệu tạo năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể là chất đạm (protein); chất béo (lipid); chất bột đường (carbonhydrate); vitamin, nước, chất khoáng, chất xơ, dinh dưỡng thực vật...

Dinh dưỡng cần được đảm bảo cân bằng các chất:

    Ví dụ: tỷ lệ chất đạm/chất béo/chất bột đường là 3/3/4.

    Hóa sinh: các chất oxy hóa có vai trò quan trọng trong chuyển hóa. Quá trình con người già đi cũng là quá trình oxy hóa liên tục, cơ thể con người luôn sản sinh ra các gốc tự do, nhất là khi cơ thể con người bị tổn thương thì các gốc tự do bị oxy hóa càng lớn. Nếu số lượng gốc tự do bị oxy hóa càng nhiều thì tổn thương càng nặng. Để chống chọi với các gốc tự do bị oxy hóa trong cơ thể và giảm thiểu tối đa mức độ tổn thương do chúng gây ra thì việc sử dụng các chất dinh dưỡng có khả năng chống oxy hóa gốc tự do là lựa chọn số một. Thực tế việc sử dụng các vitamin chống oxy hóa là một khâu trong kéo dài tuổi thanh xuân. Vì thế vitamin C và E được chị em ưa dùng để lấy lại tuổi thanh xuân, xóa sạm, mờ nếp nhăn.

    - Thực hành dinh dưỡng dưỡng sinh

    Uống: Cần đảm bảo uống đủ nước hằng ngày, trung bình mỗi ngày mỗi người cần 40ml/1kg cơ thể tức là khoảng 2 lít/ngày. Nhu cầu nước trong cơ thể là rất lớn vì nước chiếm khoảng từ 50 - 70% cơ thể.

    Nước có tác dụng hấp thu chất dinh dưỡng, tăng trao đổi chất và thải độc. Cơ thể mất 20% nước gây khát, tiêu hóa chậm, da nhăn nheo; nước uống tốt nhất là nước lọc (cần khoảng 80% lượng nước đưa vào cơ thể).

    Cách uống nước là uống từ từ từng ngụm một; hạn chế rượu, bia, các loại nước lá, nước ngọt, nước có ga; uống đủ nước giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu, tăng cường khả năng hoạt động của tế bào gan, giúp quá trình đào thải các chất độc ra khỏi tế bào gan, uống đủ nước giúp tiêu hoá tốt, thiếu nước dễ gây táo bón...

    Ăn: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng; chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng người, đặc biệt với một số bệnh lý chế độ ăn rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Ví dụ người bị tăng huyết áp cần hạn chế muối, chất béo nhất là mỡ động vật, người bị đái tháo đường cần hạn chế chất bột đường...; trong tiết chế về dinh dưỡng, chú ý tăng cường rau, củ, quả là tốt cho sức khỏe.

    Nhu cầu dinh dưỡng trong ngày cao nhất vào buổi sáng: cần chú ý tăng cường cung cấp năng lượng vào buổi sáng, buổi trưa là bổ sung, buổi tối nếu thừa năng lượng sẽ tồn dư trong cơ thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

    Dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Hải Thượng Lãn Ông nói: “Vạn bệnh vào từ miệng”. Hypocrate nói “Thức ăn có thể thay thế thuốc chứ thuốc không thay thế thức ăn”.

    - Dưỡng sinh tâm lý

    Vai trò của các hoạt động sức khỏe tạo môi trường sống vui tươi lành mạnh từ gia đình tới cộng đồng có tác dụng tốt cho sức khỏe tâm thần.

    Cơ sở khoa học:

    Sức khỏe bao gồm 2 nội dung: sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.

    Nền tảng sức khỏe tâm thần là cân bằng tâm lý. Tác dụng của cân bằng tâm lý vô cùng quan trọng. Chỉ cần giữ vững tâm lý cân bằng là nắm vững chìa khóa sức khỏe.

    Tâm lý ổn định tốt cho sức khỏe, giúp đẩy lùi bệnh tật. Tâm lý căng thẳng, đột biến cũng gây bệnh tật.

    8 lời khuyên quý với sức khỏe tâm thần: có tấm lòng từ thiện, có lòng yêu thương đối với mọi người; tốt bụng, hiền lành, chịu giúp đỡ người khác; chính trực, không gian tà; khoan dung; hiếu thảo; thật thà ngay thẳng; đóng góp càng nhiều càng tốt; không đòi hỏi người khác trả ơn sau khi cứu giúp.

    Tóm lại, dưỡng sinh là tạo lối sống văn minh khỏe mạnh, ăn uống hợp lý, luyện tập đều đặn, tâm trí ổn định.

    Lối sống văn minh khỏe mạnh tuy đơn giản, nhưng đòi hỏi bền bỉ, kiên trì sẽ mang lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thiết thực, nâng cao chất lượng của sự nghiệp “chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

     

    GS. TS. TTND Lê Ngọc Trọng (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, PCT TW Hội GDCSSKCĐ Việt Nam)

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""