Bệnh thoái hóa ở khớp gối (THK gối) là 1 trong 3 loại thoái hóa thường gặp nhất (cùng với thoái hóa cột sống ở cổ và thắt lưng), có trên 12% số người trên 60 tuổi và trên 6% số người lớn từ trên 30 tuổi.
THK gối bệnh gây đau khớp và hạn chế vận động khó khăn khi đi lại di chuyển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đế chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Làm sao chẩn đoán thoái hóa khớp gối?
Để chẩn đoán, thầy thuốc khai thác diễn biến của bệnh, thăm khám khớp gối và toàn thân, chỉ định một số xét nghiệm như công thức máu, chụp X-quang khớp gối…
Người bệnh có đau ở mặt trước hoặc trong khớp gối, lạo xạo khi gấp duỗi, cứng khớp buổi sáng kéo dài dưới 30 phút, hạn chế vận động do đau (gây khó khăn khi đi lại, lên xuống cầu thang).
Khám tại khớp gối có dấu hiệu ấn đau hoặc sưng, hoặc kèm hạn chế vận động gấp duỗi, khớp gối lỏng lẻo do yếu dãn dây chằng khớp gối...
Chụp X-quang có các dấu hiệu hẹp khe khớp, có gai ở thân xương và ở xương bánh chè, tăng đậm độ xương dưới sụn. Một số trường hợp có thêm hiện tượng vôi hóa ở gân kheo sau gây khó khăn khi đứng lên - ngồi xuống.
Trường hợp khó, thầy thuốc có thể chỉ định nội soi khớp, chụp MRI, khảo sát toàn diện về sụn khớp, dây chằng khớp, ứ dịch trong khớp… giúp chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ của bệnh.
Điều trị
Khi có các dấu hiệu như trên, người bệnh cần đến thầy thuốc khám, chẩn đoán, tư vấn và hướng dẫn điều trị.
Cần được điều trị toàn diện, ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tập luyện đúng phương pháp tránh cứng khớp và teo cơ, chế độ ăn đầy đủ chất, bổ sung canxi và khoáng chất. Những trường hợp có thừa cân - béo phì cần được tư vấn và điều trị giảm cân, nếu giảm được 5kg, giúp giảm 50% nguy cơ khởi phát đau khớp gối.
Riêng YHCT, ngoài hướng dẫn điều trị chung như trên, người thầy thuốc cần phân tích thêm để nhận ra dấu hiệu nổi trội theo từng giai đoạn bệnh để đề ra cách chữa phù hợp.
Nếu do nhiễm phòng tà nổi trội (khi bị nhiễm lạnh, thời tiết thay đổi) gây đau chói buốt, sưng khớp gối, tê nặng 2 chân..., pháp trị tập trung khu phong, tán hàn, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết thông kinh lạc giúp đưa tà khí ra ngoài, giảm đau sưng khớp.
Do lớn tuổi, công năng 2 tạng Can, Thận suy giảm (gây đau âm ỉ, kéo dài, cứng gân, đi lại khó khăn...), pháp trị tập trung vào bổ can thận, mạnh gân xương, giúp giảm đau cứng khớp, đi lại di chuyển dễ dàng.
Dựa vào pháp trị trên, YHCT sử dụng nhiều phương pháp điều trị như dùng thuốc, và các phương pháp không dùng thuốc cũng rất chú trọng, gồm châm cứu - xoa bấm huyệt, tập luyện dưỡng sinh - khí công, tập Yoga và chế độ thực dưỡng phù hợp với bệnh.
Thuốc YHCT, trong đau cấp tính thường dùng các vị có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp như: cỏ xước, thiên niên kiện, thổ phục linh, hy thiêm, độc hoạt, quế chi...(trong thành phần có chứa saponin, tinh dầu, glucozib) giúp kháng viêm giảm đau. Trường hợp do hư, đau âm ỉ kéo dài thường dùng các vị bổ can thận, mạnh gân xương như thục địa, hà thủ ô, ngưu tất, đỗ trọng, cốt toái bổ... Các bài thuốc kinh điển thường dùng như : Độc hoạt tang ký sinh, Tam tý thang, Tả quy hoàn, Hữu quy hoàn...
Điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc
Được yêu thích sử dụng do có hiệu quả, an toàn và tiện lợi.
- Châm cứu: dùng kim châm vào các huyệt hoặc dùng mồi ngải cứu ấm lên các huyệt. Các phương pháp không dùng thuốc.
Châm cứu là một bộ phận quan trọng trong cả hệ thống y học cổ truyền (YHCT) phương Đông. Ở Việt Nam, từ ngàn xưa đến nay châm cứu đã được sử dụng rộng rãi trong phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân. Châm cứu là một y thuật có một giá trị chữa bệnh rất cao, ít tốn kém, rất quen thuộc được người Việt Nam ưa thích, bảo tồn và phát triển. Trong thực tế, châm cứu được chỉ định rộng rãi trong điều trị các bệnh cơ xương khớp và thoái hóa khớp gối.
Theo YHCT, châm cứu giúp loại trừ tà khí, hành khí, hoạt huyết thông kinh lạc giúp giảm sưng đau khớp, giảm hạn chế vận động. Châm và cứu giúp bổ can thận hư, bổ gân xương (châm cứu bổ các huyệt Can du, Thận du, Dương lăng tuyền, Tuyệt cốt…) giúp điều trị căn nguyên và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Châm cứu không chỉ làm giảm triệu chứng sưng đau (do ứ trệ khí huyết và kinh lạc), giúp điều trị căn nguyên theo YHCT (loại trừ tà khí - do tà khí xâm nhập, bổ can thận, bổ khí huyết - do can thận khí huyết hư...), qua việc châm cứu giúp bổ hư và thông hoạt kinh lạc giúp giảm hạn chế vận động mà còn phòng ngừa biến chứng, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Theo các nghiên cứu khoa học, châm cứu có tác dụng giảm đau (do phối hợp nhiều cơ chế như ức chế dẫn truyền cảm giác đau, kích thích sản sinh morphine nội sinh trong cơ thể), tác động qua cung phản xạ thần kinh giúp điều hòa hoạt động các cơ quan tạng phủ bên trong, chống rối loạn thần kinh chức năng do quá trình bệnh lý kéo dài gây ra.
Châm cứu khớp gối
Khi kết hợp với thông điện còn có tên điện châm (electroacupuncture EA), là phương pháp điều trị đã được chấp nhận trên toàn thế giới chủ yếu để điều trị các cơn đau cấp tính và mãn tính). Theo tác giả Ji-Sheng Han, qua các nghiên cứu về cơ chế giảm đau của đã chứng minh endorphin (các peptide opioid - morphin giảm đau nội sinh) trong hệ thống thần kinh trung ương đóng một vai trò thiết yếu trong việc làm trung gian cho tác dụng của điện châm. Các loại khác nhau của neuropeptides được tiết ra bởi điện châm với tần số khác nhau. Ví dụ, điện châm với tần số 2 Hz làm tăng tiết 3 loại morphine nội sinh (enkephalin, -endorphin và endomorphin), trong khi đó với tần số 100Hz làm tăng tiết 1 loại morphine nội sinh khác (là dynorphin). Một sự kết hợp của hai tần số tạo ra một kích thích làm tăng đồng thời cả bốn loại morphine nội sinh, dẫn đến một hiệu quả điều trị giảm đau tối đa. Phát hiện này đã được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng có hiệu quả cao trên bệnh nhân đau mãn tính như đau lưng, đau khớp gối...
- Thủy châm (dùng kim đưa 1 lượng nhỏ thuốc - thường là thuốc bổ vào huyệt): tác dụng được gia tăng nhờ tăng tác động lên huyệt châm và phối hợp với tác dụng dược lý của thuốc. Thủy châm có hiệu quả cao trong điều trị giảm đau khớp và tăng tác dụng bổ gân xương khi thủy châm các huyệt bổ thận, bổ gân (như huyệt Thận du, Dương lăng tuyền…). Cũng cần lưu ý, thủy châm chỉ bơm thuốc vô huyệt, không phải là bơm thuốc vô khớp.
- Cấy chỉ (nhu châm): đưa chỉ tiêu catgut hoặc chỉ tiêu khác vô huyệt, khi chỉ tiêu tan dần trong huyệt giúp gia tăng thời gian kích thích lên huyệt và kích thích tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tại vùng được cất chỉ. Khi dùng phương pháp cấy chỉ mang lại 2 lợi ích cho người bệnh, đó là tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian cũng như tài chính (do liệu trình cấy chỉ trung bình 2 - 4 tuần/ cấy 1 lần).
Thời gian: châm cứu, điện châm và thủy châm ngày 1 lần, một đợt điều trị (liệu trình) thông thường 20 lần châm/1 liệu trình (châm cứu, điện châm), riêng thủy châm thông thường 10 -15 lần/liệu trình. Có thể châm từ 1 - 3 liệu trình tùy theo diễn tiến và mức độ bệnh nặng nhẹ của riêng từng bệnh nhân (giữa 2 liệu trình, nghỉ 5 - 7 ngày).
Cấy chỉ (nhu châm), từ 2 - 4 tuần cấy 1 lần, thông tường cấy chỉ 3 lần.
Lời khuyên của thầy thuốc
Người bệnh cần hạn chế đứng lâu, đi bộ nhiều, trong đợt đau cấp tính cần được nghỉ ngơi. Những động tác thể dục phù hợp là bơi và đạp xe đạp (giúp bệnh nhân tránh được tác động của trọng lượng đè nén lên khớp gối), thời gian trung bình 30 phút/ ngày.
Cần thiết đeo băng thun khớp gối khi vận động, đặc biệt ở những trường hợp có kèm dãn dây chằng khớp gối.
Chế độ ăn uống giàu canxi và khoáng chất, kiểm soát cân nặng, tập luyện thể thao phù hợp luôn luôn là điều cần thiết giúp phòng ngừa, điều trị và chống tái phát ở những người bệnh thoái hóa khớp gối.
(BS.CKII. ĐỖ TÂN KHOA)