TINH HOA XANH

Điều trị chắp lẹo bằng kinh nghiệm dân gian và nghiên cứu lâm sàng

Điều trị chắp lẹo kinh nghiệm dân gian  và nghiên cứu lâm sàng

 

Y học cổ truyền (YHCT), trong đó có y học dân gian, tồn tại hàng ngàn năm trải qua bao thăng trầm lịch sử, không chỉ vì YHCT  là "di sản văn hoá của dân tộc" mà YHCT còn là một khoa học với những đặc thù lý luận riêng. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc lưu hành trong dân gian mà chưa tìm thấy cơ sở khoa học hoặc lý giải không đủ sức thuyết phục làm cho người ta phải dè dặt hoặc tỏ thái độ nghi ngờ. Một đôi ca thành công đã vội vui mừng, một vài ca thất bại đã mau nản chí.  Mọi thái độ cực đoan: tôn sùng, ca ngợi quá đáng hoặc bài xích, phủ nhận sạch trơn đều làm mất đi những giá trị thật sự của YHCT. Vì vậy sự đánh giá khách quan và trung thực rất cần thiết để lấy lại niềm tin đối với những phương pháp điều trị dân gian tưởng chừng như không có tính khoa học này. Kết quả nghiên cứu điều trị chắp lẹo bằng kinh nghiệm dân gian dưới đây là một ví dụ.

Từ kinh nghiệm dân gian…

Chắp Lẹo là bệnh thông thường, hầu như ai trong đời cũng mắc phải ít nhất một lần. Và cũng ít nhất một lần đã được điều trị bằng một phương pháp dân gian nào đó. Dùng hai ngón tay trỏ và giữa chà xát lên chiếu cho nóng rồi áp lên mi mắt nơi bị chắp lẹo, làm tích cực nhiều lần trong ngày khi bệnh mới mắc. Đây là một cách điều trị tuy đơn giản nhưng tỏ ra hữu hiệu nhất. Ngày nay YHHĐ vẫn ưu tiên dùng phương pháp này.

Có một cách điều trị thật lạ lùng, rất gây ấn tượng mà có lẽ không ít người thời thơ ấu cũng đã thử nghiệm một lần: "Bớ làng ơi! Mụn lẹo tôi bị rớt xuống giếng rồi!". Lặng lẽ đừng cho ai biết, cầm một viên sỏi nhỏ, cúi mặt xuống miệng giếng, cho viên sỏi rơi tõm xuống giếng rồi la toán lên câu "thần chú" này. Rứa mà lạ, không ít người hết liền! Không ai có thể biết được xuất xứ của nó ở đâu, có tự bao giờ? Có ai đã chịu khó thống kê: thất bại, thành công bao nhiêu trường hợp? Thế mà cứ thế nó truyền tụng qua không biết bao nhiêu thế hệ. Lớn lên một ít, có học hành, có ý thức, biết mắc cỡ và xấu hổ, không ai đủ can đảm để áp dụng cái phương pháp khó tin này, mang nhiều sắc màu "mê tín dị đoan và lạc hậu". Thế nhưng có người vẫn tin, niềm tin không cần nghĩ bàn. Hình như mỗi người có một nhân duyên để bắt gặp những điều đáng tin trong đời và không ai có thể làm họ lung lay được. Chuyện xưa kể rằng: Rùa và Cá thân nhau lắm. Rùa thì rất tốt bụng nhưng luôn làm Cá giận bởi thường hay kể chuyện "đâu đâu ở trên trời", Cá không thể nào tin được lại có một thế giới "thần tiên" như thế tồn tại trên "trần gian" này. Rùa cũng giận Cá lắm, cái sự thì rõ ràng rồi đó, mà cái lý làm sao giải bày cho Cá tin đây! Một hôm Cá bị mắc cạn, mới thấy những điều Rùa kể là đúng sự thật, thầm trách mình không tin bạn và cũng chính là lúc Cá trút hơi thở cuối cùng... Mới hay, tin hay không là do nhân duyên ở mỗi người, hà cớ gì phải lý với sự!

Một cách điều trị độc đáo khác mà quý cụ lang bà mế thường hay dùng, có một bức tranh dân gian minh hoạ hẳn hoi. Đó là cách chích lể huyệt Phế Du hoặc huyệt Thâu Châm để điều trị Chắp Lẹo. Cách làm như sau:

 

*Thích huyết huyệt Thâu châm (Chích lể nặn máu huyệt Thâu châm)

Người bệnh ngồi ngay lưng, vắt tay ngược với bên mắt bệnh (mắt trái bệnh thì vắt tay phải) qua vai bên kia, khuỷu tay sát vào cằm, các ngón tay ép sát vào nhau, đưa hết sức ra sau lưng, đầu ngón tay giữa chạm vào cột sống ở chỗ nào thì đó là huyệt để châm (khoảng đốt sống lưng 3-6). Thầy thuốc dùng tay vuốt dọc vai gáy lưng tới điểm để châm, đến khi da đỏ ửng, sát trùng rồi dùng kim to chích nông nặn máu.

Một cách khác: Tương tự như trên, cũng vắt tay qua vai, ra sau lưng, đầu ngón tay giữa chạm cột sống đến đâu thì đánh dấu điểm đó. Từ điểm này kẻ một đường thẳng ngang vuông góc với cột sống. Một đường thẳng thứ hai từ huyệt Kiên tỉnh (giữa vai và gáy) kẻ dọc xuống song song với cột sống. Hai đường thẳng này giao nhau ở đâu thì đó là huyệt.

Hoặc:*Thích huyết huyệt Phế du: Từ đốt sống lưng thứ 3 đo ngang ra hai bên, mỗi bên 1,5 thốn. Đó là huyệt Phế du, sát trùng rồi dùng kim chích nặn máu huyệt bên bệnh.

 

Phân biệt chắp - lẹo và hướng điều trị theo Tây y

Lẹo thường do viêm tuyến bã (tuyến ziss) hoặc tuyến lệ phụ (tuyến Moll) ở ngay chân lông mi. Ban đầu mi đỏ, rồi sưng lên thành một mụn nhọt và hơi đau. Sau 2-4 ngày cảm giác đau tăng dần, nhức buốt thì hóa mủ, sau đó cả mủ và ngòi vỡ thoát ra cùng với lông mi. Cảm giác đau khó chịu lúc này cũng biến mất. Bệnh có thể tự khỏi, nhưng dễ tái phát.

Chắp thường do viêm mạn tính tuyến Meibomius. Khi bội nhiễm có thể có hiện tượng viêm sưng nóng đỏ đau, sau đó hóa mủ, áp-xe hóa, tự vỡ mủ hoặc rò mủ ra ngoài da và tự khỏi. Hoặc có thể tiến triển viêm mãn tính dưới hình thức một nang hóa, sưng phồng lên và không có hiện tượng nóng, đỏ, đau. Đó một khối u lành tính, nằm ở xa bờ mi, nếu ở bên ngoài sụn mi thì đội lồi da phía ngoài mi mắt  lên, hoặc nếu ở trong thì đội kết mạc lên, có thể làm giảm thị lực do Chắp đè vào nhãn cầu.

Vấn đề điều trị: Đối với Lẹo tương đối đơn giản, chườm nóng sớm khi mới bị bệnh lại là cách điều trị hữu hiệu nhất, kết hợp thuốc nhỏ hoặc mỡ kháng sinh tại chỗ. Khi đã có mủ, Lẹo sẽ tự vỡ, nếu không phải làm thủ thuật chích tháo. Tuy nhiên bệnh rất dễ tái phát.

Đối với Chắp bắt buộc làm thủ thuật chích tháo và hầu như không thể khỏi hoàn toàn được. Một số trường hợp tiêm Corticoit vào trong tổn thương có thể làm cho tổn thương co lại thành một nốt nhỏ, chắc và tồn tại một thời gian dài. Trong rất nhiều trường hợp do lạm dụng thuốc Corticoit kéo dài, tuy triệu chứng có giảm nhưng để lại nhiều di chứng dai dẳng.

Biện chứng luận trị theo Đông y châm cứu

Chắp Lẹo có tên gọi là "Thâu châm", "Châm nhãn", "Thổ âm", "Thổ dương", "Nhãn đơn", "Mạch lạp thủng"...Nguyên nhân thường do Phong và Nhiệt tác động lẫn nhau làm tổn hại vùng mi mắt, hoặc do ăn uống đồ cay nóng thái quá làm kinh Vị hoá nhiệt gây tổn hại mi mắt. Dựa vào lý luận, các nhà lâm sàng Đông y lý giải cách dùng huyệt Thâu châm và Phế du như sau:

* Các bệnh về đinh nhọt đa phần đều do Tâm hoả nhiệt và bệnh ở mi mắt thuộc phạm vi của Vị Thổ. Theo nguyên tắc "mẫu bệnh tử cập" (bệnh ở mẹ truyền sang cho con) hay "Ngũ hành tương sinh" ( Hoả sinh Thổ) tức bệnh ở mẹ là Tâm Hoả truyền sang cho con là Vị Thổ. Các huyệt trên đều tương ứng với huyệt Thần đạo (đốt sống lưng thứ 4) và huyệt Linh đài (đốt sống lưng thứ 5), hai huyệt này có tác dụng thanh Tâm hoả.Vì vậy tác động lên những huyệt này có thể làm thanh Tâm hoả mà trừ nhiệt độc ở Vị.

* Theo nguyên tắc "kinh lạc sở quá chủ trị sở cập" (kinh lạc đi qua đâu thì trị bệnh ở đó) hay "tuần kinh thủ huyệt" (theo kinh mà lấy huyệt), kinh Bàng quang có đường đi liên hệ với mắt, huyệt Phế du lại thuộc kinh Bàng quang nên có thể điều trị được bệnh ở mắt. Ngoài ra theo thuyết Lục kinh, Bàng quang kinh còn gọi là Thái dương kinh là kinh đầu tiên chống đỡ với ngoại tà; và theo thuyết Tạng phủ, Phế chủ bì phu ứng với bệnh da ở mi mắt, cũng là tạng có phản ứng với ngoại tà trước tiên. Một số trường hợp bệnh nhân bị Chắp Lẹo có tăng cảm giác đau, hoặc thay đổi màu da tại vùng huyệt này (được gọi là "A thị huyệt"). Vì vậy Phế du là huyệt ưu tiên được lựa chọn.

Một số nghiên cứu về tác dụng của châm cứu theo YHHĐ cho biết: Châm cứu có tác dụng làm tăng khả năng thực bào của bạch cầu, làm chỉ số nuốt vi khuẩn của bạch cầu tăng lên (Viện Y học Bắc Kinh). Thẩm tra lượng bổ thể (epsonin), nếu trước khi châm lượng bổ thể thấp thì sau khi châm lượng bổ thể tăng lên rất nhiều. Sau khi châm hiệu giá các chất miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu trong huyết thanh tăng lên rõ rệt (Thượng Hải - Trung Quốc).

Kết quả nghiên cứu điều trị chắp lẹo tại Bệnh viện đa khoa khu vực (ĐKKV) Quảng Nam

Để nghiên cứu đánh giá tác dụng thực tế của những phương dân gian điều trị Chắp Lẹo vẫn còn bị nghi ngờ và dần dần dễ bị mai một,  trong những năm qua (2006-2008), tại Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam (Điện Bàn cũ) Khoa Đông y chúng tôi kết hợp với Khoa Mắt (Bs Lê Minh Hùng) tiến hành nghiên cứu điều trị cho 27 bệnh nhân đươc chẩn đoán Chắp Lẹo bằng phương pháp trên, bước đầu đã đem lại một kết quả đáng khích lệ.

Phương pháp được ưu tiên chọn là “thích huyết huyệt Phế du” để ứng dụng điều trị vì thấy về mặt lý luận có phần chặt chẽ hơn.

Tiêu chuẩn đánh giá kết quả:

*Khỏi: 1đến 3 ngày sau triệu chứng giảm rõ rệt, không tái phát sau 3 tháng.

*Đỡ: Phải dùng kháng sinh, kháng viêm toàn thân, chích tháo mủ nếu có, kết hợp thích huyết huyệt Phế Du, không tái phát sau đó 3 tháng.

*KhôngKhông có kết quả, hoặc kết quả không đáng kể.

Nhóm nghiên cứu đã rút ra một số kết luận sau: Số bệnh nhân khỏi 14 ca (đạt 51.85%), bệnh đỡ 7 ca (25.93%), không đỡ 6 ca (22.22%). Trong đó: Số bệnh khỏi lại rơi vào những trường hợp bệnh nhẹ, đến điều trị sớm, đa phần thuộc về Lẹo (tổng số 16 ca nhẹ: khỏi 12 ca : 44.44%, đỡ 4 ca: 14.82%). Đối với Chắp hoặc Lẹo đã được chích tháo mủ, lần sau tái phát tuy đến điều trị sớm nhưng tỷ lệ bệnh khỏi, đỡ vẫn thấp: khỏi 2 ca (7.41%), đỡ 3 ca (11.11%), không đỡ 3 ca (11.11%). Đối với Chắp đã hình thành, viêm mãn, chưa làm thủ thuật chích tháo, 3 ca (11.11%) không có kết quả ca nào, cần kết hợp với Tây y làm thủ thuật chích tháo và dùng kháng sinh, kháng viêm. Trên thực tế đối với Tây y cũng rất nan giải để điều trị ở thể bệnh này. Tuy nhiên điều đáng chú ý là số bệnh nhân đã được điều trị khỏi, đỡ bằng phương pháp này đều không có trường hợp nào tái phát sau 3 tháng.

Phương pháp điều trị dân gian trên đây tuy đơn giản nhưng đem lại hiệu quả thiết thực cần được bảo tồn và ứng dụng rộng rãi ở tuyến cơ sở.

Đỗ Thanh Sơn - Lê Minh Hùng (CTQ số 113)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""