Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý cột sống mãn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài việc tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần kiêng cử nghiêm ngặt trong ăn uống, sinh hoạt để giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, ngăn ngừa cơn đau tái phát.
Chế độ dinh dưỡng
Các thực phẩm bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần tránh
- Thực phẩm giàu chất đạm, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt cừu, thịt lợn… Trong quá trình tiêu hóa lượng thịt đỏ được hấp thụ, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều acid và cần canxi để trung hòa. Nếu bạn không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết, cơ thể sẽ tự động rút canxi từ hệ xương khớp, gia tăng nguy cơ bị viêm khớp, loãng xương…
- Thực phầm chứa purin và fructose như thịt gia cầm, cá trích, thịt gia súc, cà muối, dưa muối, nội tạng động vật (như tim, gan, phổi, ruột…). Purin và Fructose khi nạp vào cơ thể sẽ kích thích phản ứng viêm ở khớp, làm cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
- Thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ như gà rán, xúc xích, thịt nướng… Các chất béo bão hòa có trong các loại thực phẩm này sẽ thúc đẩy phản ứng viêm ở khớp xương, gây ra tình trạng sưng đau, ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị.
- Thức uống chứa cồn hoặc chất kích thích như bia, rượu và cà phê có thể khiến bệnh tình diễn tiến trầm trọng hơn.
Chế độ ăn uống hợp lý dành cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm
- Các thực phẩm giàu axit béo Omega-3 như cá thu, cá ngừ, cá hồi, tôm, cua… Omega-3 có tác dụng ngăn cản các phản ứng viêm gây hại cho khớp, giảm triệu chứng đau mỏi.
- Nước hầm xương ống, sụn bò và bê có chứa nhiều Glucosamin, Chondroitin và Canxi giúp sụn khớp chắc khỏe, cải thiện tình trạng sưng viêm.
- Các loại rau xanh có màu xanh đậm như cải mầm, rau bina, cải xanh, cải xoăn, bắp cải và bông cải là những thực phẩm tốt cho quá trình phục hồi các chấn thương khớp xương. Trong các loại rau màu xanh đậm có chứa nhiều vitamin (vitamin A, C và K) và khoáng chất (sắt và canxi) cần thiết để tăng cường sức khỏe hệ xương khớp, giảm nguy cơ loãng xương.
Các môn thể thao nên tập
1. Bơi:
20 -30 phút bơi mỗi ngày có tác dụng giúp các gân cơ, khớp xương được thư giãn, giảm áp lực tác động lên phần đĩa đệm bị lồi ra giúp giảm cơn đau nhức nhanh chóng. Bơi lội tuy là môn thể thao khá an toàn, hạn chế các chấn thương cột sống. Tuy nhiên, không nên tập quá sức, bơi quá lâu mà chỉ nên kiên trì tập luyện mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất. Trong quá trình điều trị bệnh không được có tâm lý nóng vội, nhanh chóng sẽ gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Đi bộ:
Đều đặn mỗi ngày đi bộ 30-45 phút sáng, chiều hoặc có thời gian đi cả hai buổi là bài tập điều trị bệnh đau lưng, thoát vị đĩa đệm cực kỳ đơn giản và dễ dàng, bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Mới đầu đi chậm sau đi nhanh hơn, bước đi nhanh nhưng nhẹ nhàng, dứt khoát. Hít thở bằng mũi sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng, điều hòa nhịp thở sao đúng để cơ thể không bị mất sức. Lưu ý tư thế đúng khi đi bộ: đầu thẳng hướng về phía trước, thẳng lưng, vai và cánh tay thoải mái, đánh tay tự nhiên nhẹ nhàng.
3. Bài tập tại chỗ:
Bài 1:
- Nằm thẳng trên giường hoặc trên một mặt phẳng.
- Hai đầu gối co lên, hai bàn chân đặt trên mặt phẳng đó, điều chỉnh sao cho phần xương cột sống thắt lưng chạm xuống mặt sàn, hóp bụng.
- Giữ nguyên tư thế đến khi nào mỏi thì thả lỏng về trạng thái ban đầu sau đó tiếp tục thực hiện tương tự. Tập luyện trong khoảng 15-20 phút (Hình 1)
Bài 2:
- Nằm thẳng, co hai đầu gối, hóp bụng, lấy sức nâng mông lên cao, hai tay để thẳng, chú ý thẳng phần lưng.
- Khi cơ thể mỏi người bệnh có thể nghỉ ngơi, quay về trạng thái ban đầu, sau đó tiếp tục làm tương tự. (Hình 2)
Hai bài tập trên đều có tác dụng co giãn phần xương cột sống, các cơ dây chằng vùng thắt lưng, giúp giảm đau hiệu quả, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho phần đĩa đệm bị chệch ra thu về vị trí ban đầu. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì tập luyện hàng ngày để đạt được kết quả.
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên lưu ý những điều sau:
- Không ngồi quá lâu
Tư thế ngồi sẽ tạo ra áp lực lên đĩa đệm cột sống gấp 3 lần khi đứng. Vì vậy, ngồi liên tục trong thời gian dài sẽ khiến các cơn đau trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, khi ngồi trước màn hình máy tính, mọi người thường có khuynh hướng ngồi khom lưng, gây ra càng nhiều áp lực lên đĩa đệm.
- Ngưng khuân vác các đồ vật nặng
Khuân vác các vật nặng quá sức sai tư thế sẽ gây ra áp lực lên vùng cột sống khiến các chấn thương rất khó hồi phục. Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên hạn chế mang vác các vật nặng có trọng lượng lớn hơn 2kg, kể cả việc bế em bé.
- Không chạy nhảy hoặc cử động thắt lưng quá mạnh
Chạy nhảy hoặc thực hiện các cử động cúi gập người, xoay vặn thắt lưng sẽ gây ra áp lực đáng kể lên đĩa đệm, khiến bệnh tình càng nặng hơn, tác động không tốt đến quá trình điều trị. Vì vậy, khi cơn đau mới bắt đầu xuất hiện hoặc trong quá trình điều trị, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên hạn chế tối đa các cử động ảnh hưởng đến cột sống.
- Chú ý khi cười, hắt hơi hoặc ho
Đĩa đệm bị thoát vị rất nhạy cảm với các áp lực dù là nhỏ nhất. Vì vậy, tác động từ một cái hắt hơi, ho hoặc cười đều có thể khiến cơn đau trở nặng hơn. Để tránh tình trạng này, khi chuẩn bị ho hoặc hắt hơi, bạn nên giữ chặt các cơ ở vùng bụng, cố gắng không để đầu ngả về phía trước.
- Không nằm nhiều
Nghỉ ngơi rất cần thiết cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, việc nằm nhiều mà không hoạt động sẽ khiến các cơ khớp dần bị co cứng, mất đi tính linh hoạt. Vì vậy, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng, đi bộ hằng ngày nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục các chấn thương.
- Thận trọng khi thay đổi tư thế
Khi đang nằm và muốn đứng lên, người bệnh cần chuyển tư thế từ từ, ngồi dậy trước rồi mới đứng lên, tránh ngồi bật dậy đột ngột.
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên thay đổi thói quen để cải thiện tình trạng bệnh
- Ngồi đúng tư thế khi làm việc
Lựa chọn bàn ghế với độ cao phù hợp cũng như luyện tập ngồi đúng tư thế sẽ giúp cải thiện đường cong cột sống tự nhiên, hỗ trợ điều trị bệnh lý cột sống hiệu quả. Ngoài ra, sau 1-2 tiếng làm việc, bạn nên đứng lên đi lại thư giãn, tránh ngồi 1 chỗ quá lâu.
- Thực hiện các bài tập tăng cường nhóm cơ lưng, xương chậu và cơ bụng
Việc tăng cường sức khỏe các nhóm cơ xung quanh cột sống – lưng – xương chậu và cơ bụng sẽ giúp hỗ trợ cột sống đáng kể, giảm thiểu áp lực cho vùng lưng. Trong các hoạt động hằng ngày, đây là các nhóm cơ rất ít được sử dụng nên cần các bài tập chuyên biệt. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết được loại bài tập nào phù hợp với tình trạng bệnh, tránh nguy cơ tập sai khiến tổn thương thêm nặng hơn.
- Chọn lựa các loại giày hỗ trợ cột sống
Cho dù sử dụng giày để đi bộ hoặc luyện tập thể dục, bạn cũng nên chú ý chọn lựa những đôi giày phù hợp, vừa vặn, không quá chật, đảm bảo phần gót chân vừa khít với giày. Những đôi giày tốt sẽ là nền tảng giúp cột sống và cơ thể duy trì tư thế thẳng đứng tự nhiên; đồng thời ngăn ngừa các bệnh lý bàn chân phổ biến.
- Xoa bóp vùng cột sống
Liệu trình xoa bóp cột sống đúng cách sẽ tăng cường sản sinh hormone giảm đau tự nhiên – endorphin, từ đó xoa dịu các cơn đau nhức và cảm giác khó chịu. Ngoài ra, xoa bóp cột sống còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, đưa các chất dinh dưỡng đến các vùng mô tổn thương, đẩy nhanh tốc độ làm lành vết thương.
Bên cạnh lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học, người bệnh cần tuân thủ theo đúng lời dặn của bác sĩ. Điều quan trọng trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm là thăm khám đúng nơi, tiếp cận đúng hướng.
Sưu tầm