Một hôm tôi đi cùng cháu gái đến khám bệnh, cắt thuốc ở nhà một thầy lang trong ngõ đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Sau khi bắt mạch cho cháu thầy lang bốc thuốc. Xem các vị thuốc, tôi thấy có Vỏ rễ dâu khô màu nâu đỏ. Tôi hỏi thầy lang: “Đây có phải là vị Tang bạch bì không?”. Thầy lang trả lời: “Vỏ rễ dâu đấy bác ạ”. Tôi nói: “Vỏ rễ dâu dùng làm thuốc phải chế biến bằng cách: cạo bỏ vỏ ngoài chỉ lấy phần vỏ trắng ở trong, nên gọi là Tang bạch bì. Chế ngay lúc rễ còn tươi thì dễ dàng nhanh chóng. Nếu để khô mới chế thì lâu công gấp 3 lần”. Thầy lang nói: “Khi em đi học Đông y, các thầy cũng dạy như vậy. Nhưng nay theo sách của Viện Dược liệu mới xuất bản thì không phải như vậy nữa. Em xin giở sách để bác xem”. Nói rồi, ông lấy 2 tập sách to đẹp trong tủ ra đưa cho tôi xem, và nói: “Bác hãy xem bìa sau trước đã”. Tôi đọc bìa sau có đoạn: “Một bộ sách quý và cần thiết cho mọi người ở mọi trình độ. MỘT CẨM NANG cho những người làm nghề chữa bệnh cứu người” (1). Rồi ông lại giở đến trang 616, 617, 618 của tập I cho tôi xem mục: Bài thuốc có dâu. Có 8 bài ghi vị thuốc là Vỏ rễ dâu. 2 bài ghi là Vỏ trắng rễ dâu và Vỏ rễ dâu (phần non dưới đất, bỏ lớp vỏ ngoài, lấy lớp vỏ trắng ở trong, tẩm mật sao qua). Xem đến trang 253, bài chữa Viêm phế quản cấp tính có vị Tang bạch bì. Rồi ông kết luận: “Đấy bác xem, các cụ Đông y bảo Rễ dâu phải chế thành Tang bạch bì mới có tác dụng. Nhưng ngày nay các giáo sư, tiến sỹ lại viết: Có bệnh chữa bằng Vỏ rễ dâu, có bệnh chữa bằng Tang bạch bì”.
Tôi không tiện tranh luận với thầy lang nên yên lặng ra về và bảo cháu: “Về nhà chọn Vỏ rễ dâu trong gói thuốc bỏ ra ngoài. Bác sẽ đi tìm mua đúng vị Tang bạch bì thay Vỏ rễ dâu cho cháu”. Tôi đến cửa hàng Đông dược bào chế của một công ty hỏi mua Tang bạch bì. Người bán hàng nói: “Nếu bác mua nhiều thì hẹn bác 3 ngày sau đến lấy; vì bây giờ người ta chỉ bán Vỏ rễ dâu phơi khô mà không chế Tang bạch bì như ngày xưa nữa. Chúng cháu phải đem Vỏ rễ dâu khô, ngâm nước liên tục 24 giờ cho nó mềm ra mới cạo sạch được vỏ ngoài rồi rửa sạch và sấy khô mới có được vị Tang bạch bì bán cho bác”.
Lời bàn: Rất tiếc cho một bộ sách quý mới xuất bản mà có chỗ viết chưa chuẩn. Người xưa nói: “Thánh cũng có khi nhầm”. Tôi đề nghị:
- Người dùng sách nên hiểu các từ: Vỏ rễ dâu, Vỏ rễ cây dâu, Vỏ trắng rễ dâu, Vỏ rễ dâu (phần non dưới đất…)… mà sách đã in chính là “Vỏ rễ dâu phần chìm dưới đất, đã bỏ rễ con, cạo sạch vỏ vàng bên ngoài, lấy phần vỏ trắng bên trong gọi là Tang bạch bì, mới có tác dụng chữa bệnh”.
- Người viết sách: Cần rút kinh nghiệm không nên dùng nhiều tên cho một vị thuốc, dễ gây nhầm lẫn cho người dùng sách. Nên sửa lỗi này trước khi tái bản./.
Ghi chú: (1) Sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” – Viện Dược liệu. 2004.
XUÂN NGỌC (CTQ số 106)